Sử dụng hiệu quả vốn ODA trong phát triển hệ thống truyền tải điện

13:56' - 24/08/2018
BNEWS Tổng công ty này đã tiếp cận số vốn lên tới 2,6 tỷ USD, được các tổ chức tài chính đánh giá cao.

 EVNNPT sử dụng hiệu quả vốn ODA phát triển hệ thống truyền tải điện. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) luôn được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) sử dụng một cách hiệu quả. Tính đến nay, Tổng công ty này đã tiếp cận số vốn lên tới 2,6 tỷ USD, được các tổ chức tài chính đánh giá cao. 

Theo thông tin từ EVNNPT, những ngày đầu thành lập 2008, EVNNPT gặp khó khăn do nhu cầu vốn đầu tư lớn, tương đương 700-800 triệu USD/năm, trong khi năng lực tài chính không đáp ứng các điều kiện vay vốn. 

Đại diện lãnh đạo EVNNPT cho hay, Tổng công ty mới ra đời nên chưa có đủ các yếu tố cơ bản ban đầu về các chỉ số tài chính, thời gian hoạt động mà các nhà tài trợ, các ngân hàng cũng như Bộ Tài chính yêu cầu để có thể độc lập đứng ra huy động vốn.

Thêm vào đó, EVNNPT lại đi vào hoạt động trong thời điểm khủng hoảng kinh tế vẫn còn tiếp diễn trên toàn cầu, nguồn tiền của các nhà tài trợ, các tổ chức tín dụng rất hạn chế.

Tuy nhiên, với nỗ lực của EVNNPT, sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sự ủng hộ của các bộ ngành và Chính phủ cùng với sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các nhà tài trợ chính như Ngân hàng thế giới, ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Cơ quan phát triển Pháp, Tổng công ty hoạt động hiệu quả, đang từng bước trở thành đơn vị hàng đầu khu vực trong lĩnh vực truyền tải điện.

Tính đến nay, sau 10 năm thành lập, tổng số lũy kế vay vốn ODA đa phương và song phương ký kết theo hiệp định của EVNNPT đã lên tới 2,6 tỷ USD, bao gồm các khoản vay lẫn hỗ trợ kỹ thuật, tăng 3,1 lần so với thời điểm mới thành lập (khoảng 850 triệu USD), chiếm 51% tổng đầu tư của EVNNPT cho hệ thống truyền tải điện giai đoạn 2008-2018, .

Trong đó, đứng đầu về quy mô và tổng số vốn tài trợ là Ngân hàng thế giới với tổng số vốn tài trợ tương đương 1,15 tỷ USD; tiếp đó là Ngân hàng Phát triển châu Á tương đương 944 triệu USD; lần lượt là Ngân hàng Tái thiết Đức 184 triệu USD, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản là 174 triệu USD và Cơ quan phát triển Pháp là 138 triệu USD.

Theo đánh giá của bà Hyunjung Lee, Trưởng dự án, Ngân hàng Phát triển châu Á, qua làm việc với các đơn vị và đi kiểm tra thực địa trạm 500kV Phố Nối, Đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông và Trạm 220kV Phú Mỹ 2 (nay là trạm 220kV Tân Thành), đoàn đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của EVNNPT trong quá trình triển khai dự án; tất cả các tiểu dự án thuộc cả 2 phân kỳ đều đóng điện đúng tiến độ.

"Các cam kết về chỉ số tài chính: tỷ lệ tự tài trợ, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, môi trường, dân tộc thiểu số; nhân lực và nguồn lực cho công tác tái định cư, chính sách an toàn, báo cáo giám sát an toàn, vấn đề giới, hợp đồng xây lắp, báo cáo tài chính và kiểm toán, vốn đối ứng đều được EVNNPT tuân thủ.", bà Hyunjung Lee nói.

Trạm biến áp 220kV Mỹ Phước. Ảnh: EVNNPT

Đến nay, EVNNPT đang quản lý, vận hành khoảng 24.362 km đường dây truyền tải và 138 trạm biến áp với tổng dung lượng khoảng 76.000 MVA. Hệ thống truyền tải điện liên tục được mở rộng, nâng cấp về quy mô và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu vận hành an toàn, liên tục và ổn định, góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân.

Sự phát triển lớn mạnh của hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện nay có phần đóng góp lớn lao và ý nghĩa của nguồn vốn ODA.

Báo cáo của Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia cho biết, trong số các Hiệp định vay, hợp tác kinh tế đã ký kết và tiếp nhận, một số khoản vay/hợp tác kinh tế đã hoàn tất, các Hiệp định đã đóng với tổng số vốn tương đương 1,6 tỷ USD.

Nhìn chung, các nhà tài trự đều đánh giá các dự án sử dụng vốn vay ODA của EVNNPT khá hiệu quả với tỷ lệ giải ngân tương đối tốt, cơ bản đáp ứng tiến độ về thu xếp vốn và triển khai các dự án, các mục tiêu đầu ra của các dự án được đảm bảo.

Hiện EVNNPT đang tiếp tục triển khai các Hiệp định vay với tổng số vốn tương đương 1 tỷ USD; trong đó, lớn nhất là nguồn vốn của Ngân hàng thế giới tương đương 500 triệu USD, kế tiếp là Ngân hàng Phát triển châu Á 231 triệu USD; Ngân hàng Tái thiết Đức 78 triệu USD, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản là 109 triệu USD và Cơ quan phát triển Pháp là 90 triệu USD.

Những con số trên phần nào cho thấy vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp đáng kể của nguồn vốn ODA cho đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia trong 10 năm qua.

Hơn thế nữa, những hợp tác kinh tế không hoàn lại và hợp tác kinh tế cho vay vốn của các nhà tài trợ đã giúp cho EVNNPT tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và tăng cường năng lực trên nhiều mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục