Sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

18:20' - 28/11/2022
BNEWS Chiều 28/11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Chiều 28/11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

 

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung: phương án phân bổ hơn 7.497 tỷ đồng trong tổng số hơn 7.942 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung 88,6 triệu USD (tương đương 2.050 tỷ đồng) vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn), nguồn bổ sung từ kế hoạch vốn nước ngoài chưa phân bổ (90.342,102 tỷ đồng).

Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ số vốn này cho 16 tỉnh tham gia Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban nhận thấy, Chính phủ dự kiến phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án cụ thể của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương bám sát các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội.

Đa số ý kiến nhất trí với phương án đề xuất và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục rà soát, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; chỉ đạo các địa phương, rà soát để bảo đảm sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả.

Cũng trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh dự toán vay của các địa phương gồm: Điều chỉnh tăng dự toán vay năm 2022 của 8 địa phương với mức tăng thêm hơn 234 tỷ đồng; tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn hơn 33 tỷ đồng để tỉnh có căn cứ thực hiện trả nợ trước hạn; điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương với tổng mức giảm là hơn 1.547 tỷ đồng.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đánh giá, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các nội dung trên là đúng thẩm quyền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ; thống nhất thông qua việc ban hành nghị quyết về các nội dung này với tỷ lệ tán thành đạt 100% số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp và tham gia biểu quyết.

Với kế hoạch sử dụng vốn nước ngoài 88,6 triệu USD, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với phương án chi tiết phân bổ cho các địa phương theo đề xuất của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ sử dụng số vốn này đúng mục đích, tránh dẫn tới việc  nêu ý kiến là chi thường xuyên hay chi đầu tư, vốn sự nghiệp hay vốn đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát, hoàn thiện nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sớm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục