Sức hút từ các thương vụ giao dịch cổ phần tư nhân ở Đông Nam Á

06:30' - 14/05/2022
BNEWS Tổng giá trị giao dịch cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á năm 2021 đạt mức cao mới trong lịch sử 25 tỷ USD và số lượng thương vụ giao dịch cũng tăng hơn 80% lên 201 thương vụ.
Biểu tượng hãng gọi xe công nghệ Grab tại văn phòng ở Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Báo Liên hợp buổi sáng dẫn “Báo cáo cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á năm 2022” của công ty tư vấn Bain, cho thấy cùng với các hạn chế biên giới dần được nới lỏng trong nửa cuối năm 2021, các nhà đầu tư có thể tiến hành giao dịch và thẩm định đầu tư hiệu quả hơn.

Điều này đã thúc đẩy tổng giá trị giao dịch cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á năm 2021 đạt mức cao mới trong lịch sử 25 tỷ USD và số lượng thương vụ giao dịch cũng tăng hơn 80% lên 201 thương vụ.

Trong đó, giá trị giao dịch của Singapore chiếm 12,1 tỷ USD, tăng 108% so với giá trị giao dịch bình quân giai đoạn 1016-2020. Thương vụ giao dịch mới nhất là hai công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật hàng hải và công trình biển ngoài khơi là Keppel O&M (KOM) và Sembcorp Marine (SMM) tuyên bố sáp nhập vào tháng 6/2021 để hình thành một công ty dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Ngoài ra, một thương vụ đình đám khác là tập đoàn đầu tư Partners Group bán nhà cung cấp giải pháp dữ liệu Straive cho công ty đầu tư Baring Private Equity Asia vào tháng 8/2021.

Hoạt động thoái vốn cổ phần tư nhân ở khu vực Đông Nam Á cũng gia tăng trong năm 2021, dòng tiền tăng lên 8 tỷ USD, chủ yếu do sự biến động của thị trường Singapore.

Tháng 12/2021, công ty Grab đã hoàn tất việc sáp nhập với công ty mua lại có mục đích mục đích đặc biệt (SPAC) Altimeter Growth Corp và bắt đầu giao dịch trên sàn Nasdaq (Mỹ) và huy động được 4,3 tỷ USD. Theo kết quả khảo sát của Bain, phần lớn các nhà đầu tư cổ phần tư nhân khu vực Đông Nam Á đánh giá tích cực môi trường vĩ mô 12 tháng tới, đồng thời dự báo tỷ lệ lợi nhuận có thể tăng 2- 4 điểm phần trăm trong vòng 3-5 năm tới.  

Tom Kidd, đối tác hợp tác trong lĩnh vực cổ phần tư nhân Đông Nam Á của Bain, cho biết, các nhân tố mang tính kết cấu hỗ trợ tăng trưởng cho các nền kinh tế Đông Nam Á trong 5 hoặc 10 năm qua vẫn đang tồn tại, trong đó bao gồm các nhân tố kinh tế xã hội như sự phát triển của tầng lớp trung lưu, thu nhập bình quân đầu người cải thiện và tốc độ đô thị hóa nhanh. Xét về dài hạn, những nhân tố mang tính kết cấu này sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng và hoạt động đầu tư của thị trường Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á vẫn chưa thể tránh biến động của thị trường trong thời gian gần đây, chẳng hạn chuỗi cung ứng đứt gãy và lạm phát tăng mạnh. Chuyên gia Tom Kidd nhấn mạnh đây là những nguyên nhân khiến cho giá trị của các công ty khởi nghiệp “kỳ lân” Đông Nam Á đã niêm yết liên tục sụt giảm từ đầu năm đến nay, đồng thời giá trị của các ông lớn công nghệ toàn cầu khác cũng xuất hiện sự điều chỉnh trong những tháng qua.

Do đó, các nhà đầu tư rất có thể sẽ có thái độ thận trọng trong ngắn hạn, điều chỉnh kỳ vọng định giá đầu tư công nghệ của thị trường tư nhân để phản ánh môi trường hiện nay.

Bain dự báo, động thái định giá lại sẽ gây ra một số ảnh hưởng đối với triển vọng đầu tư của thị trường tư nhân. Chẳng hạn, các nhà đầu tư có thể điều chỉnh giảm định giá của doanh nghiệp, đồng thời chuyển sang tìm kiếm các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận và hoạt động kinh doanh bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân có bảng cân đối tài sản lành mạnh và tỷ lệ rủi ro thấp sẽ có ưu thế hơn. Thị trường biến động cũng mang lại nhân tố không xác định cho hoạt động thoái vốn, đặc biệt là những công ty có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các nhà đầu tư cổ phần tư nhân của những công ty này có thể phải trì hoãn việc thoái vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục