Tài chính xanh cho phát triển bền vững

17:06' - 29/11/2017
BNEWS Tài chính xanh được hiểu là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính, ô nhiễm môi trường, sản xuất xanh...
Thị trường vốn xanh nhằm tạo ra kênh tài chính có sức ảnh hưởng lớn phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và hướng tới phát triển bền vững. . Ảnh minh họa :TTXVN

Sự chuyển dịch từ các thị trường vốn truyền thống sang thị trường vốn xanh được xem là bước tiến quan trọng, nhằm tạo ra kênh tài chính có sức ảnh hưởng lớn phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và hướng tới phát triển bền vững.

* Còn nhiều mới mẻ

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường vốn xanh là vấn đề khá mới mẻ với các thành viên tham gia thị trường nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Việc phát triển thị trường vốn xanh cho các dự án xanh là một trong những nội dung cần thiết để phổ cập, hướng dẫn và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong thời gian tới.

Theo ông Sơn, hiện nay, tăng trưởng xanh được xác định là vấn đề trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tham gia trên tinh thần tự nguyện, để doanh nghiệp vừa duy trì được hoạt động kinh doanh hiệu quả, vừa đảm bảo lợi ích môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng mong muốn cộng tác cùng các bên liên quan xây dựng và triển khai được một khuôn khổ định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh cho các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó giúp thị trường vốn xanh phát triển bền vững.

Tài chính xanh được hiểu là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính, ô nhiễm môi trường, sản xuất xanh...

TS. Michael Krakowski, Cố vấn Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô (GIZ) cho rằng, tại Việt Nam thị trường trái phiếu gần đây đã phát triển rất ấn tượng, nhưng thị trường trái phiếu xanh vẫn còn sơ khai. Trong thời gian qua, đề án xây dựng thị trường trái phiếu xanh và phương án phát hành trái phiếu xanh chính quyền địa phương đã được xây dựng và được phê duyệt.

Mặc dù đề án mới ở giai đoạn thí điểm và còn nhiều hạn chế nhưng điều quan trọng là đã tạo ra được một môi trường thu hút vốn cho các dự án xanh.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng- Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Dương cho biết, xu hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh ngày càng đa dạng. Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện nay, tổ chức phát hành trái phiếu xanh có Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng phát triển Đức, Ngân hàng phát triển Nhật, chính quyền địa phương các nước châu Âu, Mỹ.

Nhu cầu đối với trái phiếu xanh ngày càng tăng, tổng dư nợ của thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đến hết năm 2016 ước tính khoảng 700 tỷ USD do 780 tổ chức phát hành, tập trung vào các ngành: vận tải, năng lượng, nước, xử lý chất thải, nông nghiệp và trồng rừng. 

Tại Việt Nam, năm 2016, loại trái phiếu chính quyền địa phương đã được phát hành tại Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Theo đó, tại Tp. Hồ Chí Minh đã phát hành trên 523 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 15 năm và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát hành 80 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm. 

Nguồn thu từ trái phiếu xanh tại Tp. Hồ Chí Minh được sử dụng cho 11 dự án thuộc các lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và các công trình cơ sở hạ tầng bền vững. Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, nguồn vốn thu được sẽ đầu tư vào dự án quản lý nguồn nước, hiện tỉnh đang làm thủ tục giải ngân cho dự án này. 

Theo ông Dương, để phát triển kinh tế cần nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và mục tiêu mà Việt Nam đang theo đuổi là phát triển một cách bền vững. Đối với thị trường trái phiếu xanh Việt Nam, ngoài việc rà soát các khung khổ pháp lý hiện hành thì chưa có hướng dẫn và các khung khổ pháp lý cụ thể để điều chỉnh giao dịch cũng như là phát hành trái phiếu xanh. 

* Trái phiếu xanh cho phát triển xanh 

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, Quyết định 2183 về kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 đã nêu rất rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý thị trường vốn.

Đó là sẽ phải xây dựng và hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh, tài chính xanh; trong đó, có cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, chứng chỉ quỹ xanh. 

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, trong thời gian tới, ngành tài chính, chứng khoán đặt mục tiêu ban hành một khung khổ pháp lý để điều chỉnh việc phát hành, niêm yết và giao dịch loạt sản phẩm trái phiếu xanh. Đồng thời, thiết lập thị trường trái phiếu xanh và tăng dần quy mô đa dạng sản phẩm, chuẩn hóa cơ chế quản lý, theo dõi đánh giá, giám sát và khuyến khích nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. 

“Đây là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài rất mong đợi vì họ rất ưa thích các sản phẩm tài chính xanh”, ông Dương nói. 

Tài chính xanh được hiểu là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính, ô nhiễm môi trường, sản xuất xanh... Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện quy mô của thị trường trái phiếu chiếm gần 40% GDP; trong đó, chủ yếu là danh mục trái phiếu Chính phủ và tiếp theo là trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và một phần nhỏ là trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của nền kinh tế. Hiện nay, nguồn vốn cung cấp cho phát triển kinh tế và các doanh nghiệp vẫn từ hệ thống các tổ chức tín dụng là chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng vẫn còn e ngại, chưa thực sự chú trọng phát triển kênh huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Trên thị trường thứ cấp, khối lượng trái phiếu giao dịch không nhiều vì nhà đầu tư có xu hướng mua trái phiếu và nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn để hưởng lãi suất. 

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu sửa đổi các chính sách để thị trường thứ cấp phát triển hơn, từ đó không chỉ là Chính phủ mà cả doanh nghiệp cũng sẽ phát hành và giao dịch trái phiếu trên thị trường này”, ông Dương cho biết. 

Việc phát hành thí điểm trái phiếu chính quyền địa phương tại Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận dụng các quy định giao dịch của thị trường trái phiếu thông thường, nhưng nguồn thu từ phát hành trái phiếu xanh được sử dụng cho các mục tiêu và các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường. 

“Sau quá trình phát hành thí điểm trái phiếu này chúng tôi sẽ có đánh giá, sắp tới sẽ dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi; trong đó quy định rõ về việc phát hành trái phiếu xanh. Hy vọng khi triển khai thị trường trái phiếu xanh sẽ có thêm khối lượng nhà đầu tư mới quan tâm lĩnh vực này", ông Dương bày tỏ. 

Luật Quản lý nợ công vừa được Quốc hội thông qua, sau đó một loạt các văn bản hướng dẫn sửa đổi sẽ phải ban hành; trong đó, có nghị định về hướng dẫn về phát hành các công cụ nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong quá trình hoàn thiện này, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để bổ sung các nội dung liên quan đến phát hành các sản phẩm trái phiếu xanh vào trong nghị định này. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán và có thể đưa các quy định trái phiếu xanh vào trong luật này. 

Bên cạnh việc ban hành các luật về phát triển thị trường vốn xanh, các cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu và xây dựng bộ tiêu chí về công bố thông tin cho các dự án xanh; ban hành danh mục dự án xanh ưu tiên sử dụng vốn tín dụng xanh và vốn trái phiếu xanh; các cơ chế thuế để áp dụng cho các loại trái phiếu tài chính xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục