Taxi truyền thống chao đảo vì “Uber taxi, Grab taxi”

06:30' - 21/11/2015
BNEWS Sự chiếm lĩnh thị trường “một cách ngoạn mục” của Uber taxi và Grab taxi sau khi thâm nhập vào Việt Nam đã khiến taxi truyền thống chao đảo.
Uber taxi - một trong những dịch vụ taxi siêu rẻ phổ biến hiện nay. Ảnh: Telegraph

Mới đây Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tạm dừng hoạt động taxi Uber và taxi Grab do vi phạm quy định hiện hành, làm rối loạn thị trường.

Tuy nhiên, thông tin trên đã khiến hành khách của Uber taxi và Grab taxi bất ngờ và hụt hẫng bởi mất đi sự lựa chọn dịch vụ giá siêu rẻ.

Tại sao hoạt động của Uber taxi và Grab taxi lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của taxi truyền thống và làm thế nào để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao được chất lượng của dịch vụ này đang là một vấn đề được đông đảo người dân quan tâm.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, Grab/Uber là một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để kết nối người có nhu cầu đi lại bằng taxi với công ty taxi, mà cụ thể và trực tiếp là với nhân viên lái xe của công ty taxi.

Do vậy, về bản chất các công ty Grab/Uber không cung cấp dịch vụ vận tải và theo quy định của pháp luật họ cũng không được phép cung cấp dịch vụ này mà chỉ tạo ra nền tảng để bên cung cấp dịch vụ vận tải và bên sử dụng dịch vụ vận tải gặp nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế các công ty này lại không đơn thuần chỉ kinh doanh phần mềm, cung cấp giải pháp công nghệ, mà đang hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh xe taxi và hiện nay nhiều người cũng biết đến “Uber taxi”, “Grab taxi”… như là những hãng taxi.

Bởi lẽ các công ty Grab/Uber đang trực tiếp thực hiện các hoạt động của một công ty kinh doanh xe taxi (công ty taxi) bao gồm lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện việc cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách, điều động xe, quyết định giá cước khi kết thúc hành trình…

Như vậy, xét về khía cạnh pháp lý các công ty này đang vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Điều kiện bắt buộc để một công ty taxi hiện nay được hoạt động quy định tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86/2014/NĐ – CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ

Trong đó quy định công ty hoạt động taxi phải có phù hiệu, logo của hãng và đồng hồ tính cước như taxi truyền thống…

Tuy nhiên, các xe ô tô kinh doanh chở khách khi sử dụng phần mềm Grab/Uber hoạt động đều không cần có logo, phù hiệu… có vẻ ngoài trông giống như một chiếc ô tô không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Graptaxi.org

Thời gian qua, cả “Uber taxi” và “Grab taxi” đều thực hiện việc khuyến mại cho lái xe, giảm giá cước cho hành khách nhằm quảng cáo thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Tham gia vào thị trường vận tải hành khách với việc làm trên cùng nhiều hoạt động khác nữa “Uber taxi”, “Grab taxi” đã và đang gây nên những xáo trộn nhất định trên thị trường.

Ông Quân đề xuất, nếu các công ty Uber/Grab muốn tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ taxi ở Việt Nam có thể lựa chọn hai hình thức là tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh xe taxi (công ty taxi) của riêng mình theo quy định của pháp luật Việt Nam về lĩnh vực hoạt động kinh doanh này.

Hoặc ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh xe taxi hiện có với tư cách là công ty đối tác cung cấp giải pháp công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp taxi.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, công ty cũng không được tự ý định giá cước cho hành khách, thu phí của lái xe và đăng ký khuyến mại cước vận tải… như đang làm, những việc này vẫn phải do doanh nghiệp kinh doanh xe taxi thực hiện.

Ngoài hai hình thức trên, nếu Uber/Grab trực tiếp hợp tác với các cá nhân chỉ có phương tiện và giấy phép lái xe, hoặc với một số đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thuộc loại hình khác, không phải là đơn vị thuộc loại hình kinh doanh taxi như quy định thì cả Grab/Uber và các cá nhân, đơn vị tham gia hợp tác đều vi phạm pháp luật và phải xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi kinh doanh trái phép.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng nếu công ty Uber/Grab hợp tác với đơn vị thuộc loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ không trái pháp luật.

Vì theo khoản 1, Điều 7, Nghị định 86, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.

Chỉ có điều “Nghị định 86/2014/NĐ – CP chưa có quy định rõ hợp đồng vận tải có thể thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử nên để giải quyết “vướng mắc pháp lý” này cần báo cáo Chính phủ cho phép đơn vị thuộc loại hình kinh doanh xe hợp đồng và người cho thuê vận tải được sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.

Sau đó, các công ty Grab và Uber hoàn toàn có thể hợp tác với các đơn vị này để kinh doanh xe taxi một cách hợp pháp, mà không cần phải thành lập doanh nghiệp taxi của riêng mình hoặc hợp tác với doanh nghiệp taxi.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cần làm rõ loại hình hoạt động taxi Uber và taxi Grab thì các công ty đang sở hữu và sử dụng phần mềm Grab/Uber là những công ty kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi hay chỉ là công ty phần mềm cung cấp giải pháp công nghệ hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp taxi kết nối với khách hàng nhanh chóng thuận tiện hơn.

Trên thực tế, việc taxi Uber và Grab hoạt động như hiện nay là vi phạm quy định hiện hành gây ra những hệ quả tiềm ẩn từ việc kinh doanh taxi sử dụng phần mềm của Grab/Uber.

Để thị trường taxi cạnh tranh lành mạnh, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương kiểm tra, phát hiện và xử lý những đơn vị, tổ chức, cá nhân lợi dụng phần mềm kiểu Grab/Uber để kinh doanh trái pháp luật.

Đồng thời tăng cường giám sát hoạt động của Uber taxi và Grab taxi.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản pháp luật quy định về việc sử dụng các phần mềm kiểu grab/uber trong hoạt động kinh doanh vận tải, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi nói riêng./.

Tuyết Mai/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục