Thách thức trong quá trình mở rộng EU

06:30' - 13/03/2018
BNEWS Chủ tịch Cộng đồng châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng vào năm 2025, một số quốc gia thuộc Tây Balkan có thể gia nhập EU. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng EU sẽ không mở rộng trước thời điểm đó.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: THX/TTXVN

“Câu lạc bộ Valdai” mới đây đăng bài viết của Tiến sĩ lịch sử Dmitry Ofitserov-Belskiy, thuộc trường Đại học Kinh tế Nga, bình luận về những thách thức trong việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU).

Trong 6 quốc gia Balkan xin gia nhập EU - gồm Serbia, Montenegro, Macedonia, Bosnia và Herzegovina, Albania và Kosovo (được một số quốc gia công nhận còn Nga coi là một phần của Serbia) - Montenegro có nhiều cơ hội gia nhập nhất. Vốn là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở Balkan, nước này đã là thành viên của NATO và ít có di sản xung đột nhất từ Nam Tư cũ để lại.

Tuy nhiên, các nước muốn gia nhập EU hiện nay sẽ không có lợi thế như những quốc gia gia nhập EU trước đây vì: Thứ nhất, nhiều thành viên mới của EU không hài lòng với dự án EU đa tốc độ. Thứ hai, các khoản tiền viện trợ cho các nước thành viên kém phát triển đang suy giảm đáng kể. Đây là kết quả của Brexit và sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu.

Tuy nhiên, đối với các nước Balkan, gia nhập NATO và EU không chỉ là vấn đề liên quan đến những lựa chọn mang tính lịch sử hay sự hỗ trợ kinh tế, mà phần lớn liên quan đến vấn đề ổn định và tìm một nhà trung gian hòa giải bên ngoài. Theo ông Juncker, EU sẽ không kết nạp bất cứ nước nào đang bất ổn, tranh chấp biên giới hoặc xung đột.

Nói chung, việc mở rộng EU sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết những bất đồng giữa các thành viên cũ và các thành viên mới trong EU. Việc các nước Đông Âu từ chối chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư không chỉ thể hiện sự không sẵn sàng đối phó với vấn đề người di cư, mà còn không muốn tuân thủ chính sách di cư của EU.

Các xu hướng “chống lại dân chủ” tại Hungary, Ba Lan và Romania đã góp phần không nhỏ vào sự bất đồng trong quan hệ với Brussels. Nếu Brussels không thành lập một hệ thống duy trì kỷ luật một cách hiệu quả giữa các nước thành viên EU, việc gia nhập của các quốc gia Tây Balkan, ngoại trừ Montenegro, sẽ còn là một dấu hỏi.

Ngoài ra, các chính trị gia châu Âu hoặc ở cấp quốc gia hay ở Brussels không có sự thống nhất về việc mở rộng thêm EU. Nhiều quan chức EU cho rằng các quốc gia Balkan không chỉ mang lại gánh nặng cho EU do những vấn đề lịch sử của họ, mà gần như chắc chắn sẽ vi phạm các quy định của EU.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo EU có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách của các nước thành viên ứng cử, nhưng họ gần như sẽ hoàn toàn mất đòn bẩy sau khi các nước này gia nhập EU. Ví dụ, việc Croatia từ chối tuân theo quyết định của Tòa Trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Slovenia về vịnh Piran trên biển Adriatic.

Căng thẳng gia tăng dẫn đến việc hai nước tăng cường triển khai lực lượng cảnh sát tại khu vực tranh chấp và trở thành liều “thuốc thử” khả năng hành động của EC khi Slovenia yêu cầu tác động đến Croatia và buộc nước này phải tuân theo phán quyết của tòa trọng tài. Tuy nhiên, Brussels không có đủ công cụ để phân xử.

Các chính trị gia châu Âu cũng nhận ra rằng EU đang trở nên kém hấp dẫn đối với các nước láng giềng muốn gia nhập, phát triển quan hệ kinh tế và coi EU là một định hướng chính trị và văn hóa. Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU, ông Johannes Hahn, cho rằng EU không quá lo ngại về sự cạnh tranh ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực này.

Các quốc gia EU vẫn chiếm ưu thế về thương mại và đầu tư nước ngoài ở Tây Balkan. Ông lưu ý rằng riêng Áo đã đầu tư vào Serbia gấp 4 lần Nga, đồng thời cho rằng EU không nên đánh giá thấp sự cạnh tranh của Nga, nhưng cũng nhận ra sức nặng và tầm quan trọng của mình.

Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố này là sự thừa nhận vị thế của EU đang suy yếu và sự cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực có thể gây tác động đến quá trình mở rộng và hội nhập sâu hơn của EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục