Tham gia các FTA, doanh nghiệp đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật

16:52' - 29/10/2015
BNEWS Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), bên cạnh các cơ hội có được, các doanh Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt.
  Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Ngày 29/10, tại thành phố Đà Nẵng, Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Trung tâm WTO Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo "Các biện pháp phi thuế - Những vấn đề thương mại mới trong các Hiệp định thương mại tự do".

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho biết, Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có lợi thế, khi nhiều thành viên TPP là thị trường tiêu thụ nông sản và các mặt hàng xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ, giày da lớn và đang có xu hướng mở rộng hơn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… Các mặt hàng này có khả năng mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu khi thuế suất giảm sâu.

Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Cụ thể như ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 1/2 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; thuế suất trung bình 17,3% sẽ giảm xuống 0%. Tuy nhiên, TPP không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước nhiều thách thức. Đó là các biện pháp về kiểm dịch động thực vật, các yêu cầu về bao bì, nhãn mác, chất lượng sản phẩm... sẽ nghiêm ngặt hơn.

Về các biện pháp kiểm dịch động thực vật và các rào cản kỹ thuật của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, bà Đặng Thanh Phương, chuyên gia dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) cho biết, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là 13,3 tỷ USD; Nhật Bản là 13,7 tỷ USD và Hàn Quốc là 6,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng của Việt Nam sang các thị trường này vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do các quốc gia tận dụng tối đa các rào cản về kỹ thuật để cản trở việc nhập khẩu; yêu cầu về kỹ thuật của Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung, trình độ và quy mô của đa số doanh nghiệp xuất khẩu còn nhỏ dẫn đến gặp khá khăn trong đáp ứng các quy định kỹ thuật ở các nước nhập khẩu.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi đối với hàng hóa thành phẩm xuất khẩu; quy trình canh tác; khai thác nguyên liệu, chế biến, đóng gói, vận chuyển sản phẩm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường, qua đó định hướng sản xuất để nâng cao giá trị, tăng xuất khẩu đối với mặt hàng này.

Về phía hiệp hội, ngành hàng cần nghiên cứu, thông báo về các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu hướng dẫn, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm để kiểm tra sản phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng các quy định về kiểm dịch động thực vật và các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Đồng thời tìm kiếm thị trường mới, cần tận dụng tối đa các lợi thế về sản xuất và phân phối sản phẩm, các cơ hội để gia tăng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ./.

Đinh Văn Nhiều

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục