Tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ

21:05' - 17/05/2017
BNEWS Việc tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ để tạo môi trường thuận lợi đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; đặc biệt là đối với 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể.
[17/05/2017 17:49:47] Chiều 17/5/2017, tại Hà Nội diễn ra Họp báo Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đồng chí Mai Tiến Dũng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ chủ trì. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Những nội dung nổi bật của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 2, diễn ra vào ngày 17/5 đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ thông tin tới báo giới trong buổi họp báo diễn ra vào cuối buổi chiều cùng ngày.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã trả lời một số ván đề báo giới quan tâm.

Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Đồng hành với doanh nghiệp” có thể coi là sự kiện gặp gỡ, đối thoại giữa Chính phủ, Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Hội nghị là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tinh thần được Trung ương thống nhất rất cao là phải xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân. Tinh thần này được quán triệt ngay từ khâu tổ chức, khi trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì có tới 1.500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân - đối tượng cần được ưu tiên tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển.

Bộ trưởng cho biết, Hội nghị thống nhất đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã góp phần tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan Nhà nước các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức. Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, có sức sống như thời gian qua.

So với Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2016, những bức xúc của doanh nghiệp tại Hội nghị năm 2017 đã giảm đi rất nhiều, thể hiện quyết tâm và hiệu quả tổ chức thực hiện Nghị quyết 35 của cả hệ thống chính trị, từ việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí chính thức, không chính thức cho doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật…

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sau Hội nghị, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng các bộ, ngành, các hiệp hội xây dựng một chỉ thị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, giao nhiệm vụ cho các bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện.

Chỉ thị được xây dựng trên tinh thần có nhiệm vụ, cơ quan thực hiện và thời gian cụ thể, không chồng chéo, không hiểu hai nghĩa, đi thẳng vào vấn đề doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.

Nhắc đến điều “đặc biệt” trong Hội nghị lần này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay đầu giờ chiều nay, trong khi đang chủ trì buổi gặp mặt, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 20 về tránh việc thanh, kiểm tra chồng chéo của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, các cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương và chồng chéo trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra của Kiểm toán.

“Đây là Chỉ thị được giải quyết ngay tại chỗ, sau vài tiếng đồng hồ cơ quan Thanh tra Chính phủ, cơ quan Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Thủ tướng”, Bộ trưởng cho hay.

Theo Bộ trưởng, việc làm nhanh, quyết liệt này thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe, coi việc tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ để tạo môi trường thuận lợi đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; đặc biệt là đối với 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, tạo điều kiện khuyến khích họ trở thành doanh nghiệp.

Quan điểm của Chỉ thị là trong 1 năm chỉ được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 1 lần. Việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Khi phát hiện các cơ quan có sự thanh tra, kiểm tra chồng chéo phải báo cáo Chủ tịch tỉnh trực tiếp giải quyết.

Không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20, người đứng đầu địa phương phải chịu rách nhiệm trước Thủ tướng. Bộ trưởng đề nghị báo chí tham gia giám sát việc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng.

Trả lời băn khoăn của báo giới về cơ chế giám sát và chế tài đối với tập thể, cá nhân không thực hiện nghiêm các cam kết của Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng với các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, Chính phủ đã bàn tới việc này, khi doanh nghiệp nói "trên nóng dưới lạnh"; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cởi trói nhưng ở nơi nào đó lại trói lại, vấn đề nhận thức, quan điểm, chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức.

Trong Chỉ thị đã nêu rõ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục giao bộ, ngành, địa phương quản lý cán bộ công chức và phải có biện pháp mạnh. Chỉ thị được ban hành công khai, với sự giám sát của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ quan báo chí, các tổ chức phải chấp hành.

Liên kết ngành, phát triển theo chuỗi giá trị

Trả lời báo chí liên quan tới việc mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ liệu có gây nguy cơ tăng nợ xấu cho các ngân hàng thương mại, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội – những ngân hàng chính phục vụ nhóm đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, người nông dân, các đối tượng trong nông nghiệp, ở nông thôn, thì tỷ lệ nợ xấu nằm trong doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thấp.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm cao nhất là dưới 2%, trung bình dưới 1,5%. Ngân hàng Chính sách xã hội dưới 1,5%. Thứ trưởng Đông cho rằng không nên hiểu nhầm mở rộng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay là dẫn tới nợ xấu, làm “chạnh lòng” những doanh nghiệp này.

Theo ông Đông, các ngân hàng sẽ có cách quản lý theo chuẩn mực của mình nhằm đảm bảo an ninh tài chính, an ninh tín dụng. Về phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Đông đề nghị các doanh nghiệp này cần vươn lên để có thể tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của ngân hàng và không phải đi tiếp cận với "tín dụng đen".

Ông cho biết thêm, trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo, có đưa ra chương trình Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực quản trị, quản lý sổ sách, tài chính… đạt được chuẩn khi vay vốn. Cách làm này giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu an ninh cho hệ thống tín dụng và nâng cao sức mạnh, khả năng cạnh tranh.

Nói về định hướng chính sách phát triển theo chuỗi giá trị, ông Đông đã đưa ra giải pháp mang tính “căn cơ” trong giải quyết vấn đề nông sản “được mùa mất giá”, tránh tình trạng “giải cứu nông sản”.

Theo ông, dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa ra chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Những doanh nghiệp tốt nhất, công nghệ tốt nhất trong chuỗi giá trị ấy được tham gia vào để nâng cao tính cạnh tranh cả về chất lượng, giá thành và họ phải đi vào tổ chức với nhau.

Nếu là hộ gia đình, dứt khoát phải tham gia vào tổ chức, có thể là hiệp hội hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để có pháp nhân chính thức, bước ra thị trường một cách chững chạc và ngang ngửa về sức mạnh so với các doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Chỉ bằng cách này thì họ mới có thể tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo thương mại chính ngạch, thay vì thương mại tiểu ngạch vốn phụ thuộc vào quyết định của người mua.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì chỉ có kinh doanh, sản xuất theo một kỷ luật rất chặt chẽ, đoàn kết với nhau thì mới có sức mạnh. Chừng nào chúng ta không thuyết phục được người sản xuất, hộ kinh doanh, bà con nông dân tin tưởng vào sức mạnh của tập thể, sức mạnh của cách đi theo cụm liên kết ngành thì chúng ta phải chấp nhận sự thiệt thòi trên thị trường”, ông Đông phân tích.

Về gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, việc sử dụng gói hỗ trợ này là xu hướng cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước trên thị trường khu vực và thế giới./.

>>> Ban hành Chỉ thị 20 về tránh kiểm tra, thanh tra chồng chéo doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục