Thị trường bán lẻ: Tiến trình thanh lọc đang để lại "khoảng trống"

10:06' - 27/09/2024
BNEWS Thị trường ngành bán lẻ trải qua tiến trình thanh lọc, không ít doanh nghiệp đã không còn đủ sức cạnh tranh, phải rời đi, để lại "khoảng trống" cho những doanh nghiệp thực sự vững vàng giành thị phần

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa tiến hành khảo sát và công bố kết quả đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành bán lẻ. Theo đó, có 25,4% doanh nghiệp cho biết, doanh thu bị sụt giảm và một phần ba trong số đó lợi nhuận kinh doanh kém hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023.

Các doanh nghiệp nhận định: Trước nhiều thách thức từ đầu năm trở lại đây do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm  kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa kém đi, cộng thêm những biến cố do thiên tai, thời tiết bất lợi....  dẫn tới tốc độ chuyển dịch của thị trường ngành bán lẻ chưa thực sự mạnh mẽ. Đây là nỗi lo và là sức ép đối với toàn bộ ngành bán lẻ khi thời gian chỉ còn chưa đầy một quý là hết năm 2024.

Đánh giá về tiềm năng của ngành bán lẻ hiện đại, Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh phân tích: Về trung và dài hạn, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mức thu nhập ngày càng tăng, số người trong độ tuổi lao động tại Việt Nam đạt 67 triệu người cũng như tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ngày càng đa dạng sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng, mở đường cho ngành bán lẻ phát triển.

Theo dự báo của KPMG Việt Nam - một trong những công ty cung cấp dich vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, từ 2020-2030, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 5,5%, nằm trong nhóm quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, tỷ lệ tiêu dùng so với tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực khi đạt trên 70%.

Điều này cho thấy, tiềm năng và dư địa phát triển của ngành bán lẻ còn rất lớn và khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời. Đây cũng là thời điểm mà thị trường ngành này cần phải trải qua tiến trình thanh lọc, khi không ít doanh nghiệp ngành bán lẻ đã không còn đủ sức cạnh tranh, phải rời đi, để lại "khoảng trống" cho những doanh nghiệp thực sự vững vàng vươn lên giành thị phần và đón bắt cơ hội mới.

Khuyến nghị về cách thích ứng với thị trường, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nghiên cứu thị trường AAA cho hay, xu hướng lựa chọn nơi mua sắm ngày càng đòi hỏi sự đa dạng về hàng hóa, minh bạch về nguồn gốc, giá cả hợp lý và những giá trị gia tăng từ các chương trình ưu đãi. Vì vậy, doanh nghiệp cần tích hợp hiệu quả các chương trình khách hàng thân thiết với các chiến lược định giá; đảm bảo chất lượng, xây dựng lòng tin và tạo ra giá trị dài hạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Việc nhanh chóng thích ứng và đổi mới chiến lược để đáp ứng những kỳ vọng này sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Xu hướng mua sắm qua các kênh truyền thông hay qua các nền tảng xã hội cũng đang tiếp tục bùng nổ và khẳng định vị thế mạnh mẽ hơn.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy 86% người tiêu dùng đã thực hiện ít nhất một giao dịch qua các nền tảng mạng xã hội trong 12 tháng qua, với sự dẫn dắt mạnh mẽ của thế hệ gien Z và Millennials. Thương mại trên các nền tảng xã hội khác với thương mại điện tử truyền thống ở việc tích hợp các tương tác giao dịch mua/bán vào cuộc sống hàng ngày và tạo ra cảm giác cộng đồng và kết nối thực sự. Các nền tảng như Instagram, Facebook và TikTok không chỉ là là phương tiện giúp các thương hiệu tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác mà còn trở thành công cụ bán hàng hiệu quả. Doanh nghiệp bán lẻ muốn thành công cần nắm bắt được điều này.

Đáng chú ý, các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội không chỉ tăng cường nhận thức thương hiệu mà còn khơi gợi sự tương tác cao, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report , hai phần ba số người tiêu dùng chia sẻ họ có xu hướng tin tưởng và mua sắm các sản phẩm được những người có ảnh hưởng (KOLs, influencers)  mà họ yêu thích hoặc ngưỡng mộ giới thiệu. Các mạng truyền thông xã hội sử dụng nhiều tính năng và công cụ khác nhau để khơi dậy nhu cầu mua sắm, cũng như tận dụng xu hướng tự nhiên của mọi người trong tin tưởng vào kinh nghiệm và chia sẻ của những người họ yêu thích. Dựa trên lòng tin và ấn tượng tích cực, người tiêu dùng cảm thấy sự kết nối không chỉ với sản phẩm mà còn với cộng đồng chia sẻ cùng giá trị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục