Thị trường chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu xu hướng giảm điểm trong khu vực

18:35' - 06/02/2018
BNEWS Thị trường Nhật Bản dẫn đầu xu hướng giảm điểm trong khu vực châu Á, khi chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm gần 7% trước khi chốt phiên với mức giảm 4,73%
Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 6/2. Ảnh: EPA

Sau khi Phố Wall giảm điểm kỷ lục, các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 6/2.

Thị trường Nhật Bản dẫn đầu xu hướng giảm điểm trong khu vực, khi chỉ số Nikkei 225 có thời điểm giảm gần 7% trước khi chốt phiên với mức giảm 4,73%, hay 1.071,84 điểm, xuống 21.610,24 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 5,12%, hay 1.649,8 điểm, xuống 30.595,42 điểm, ghi dấu một phiên tồi tệ nhất kể từ mùa Hè năm 2015. Chỉ số Shanghai Composite giảm 3,35%, hay 116,85 điểm, xuống 3.370,65 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,54%, hay 38,44 điểm, xuống 2.453,31 điểm.

Phiên trước, trên Phố Wall, chỉ số Dow Jones giảm điểm chưa từng có và để mất toàn bộ số điểm ghi được trong năm nay, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đi xuống.

Chứng khoán toàn cầu chứng kiến nhiều tháng tăng điểm mạnh nhờ sự lạc quan về kinh tế Mỹ, lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng của toàn cầu. Sự khởi sắc này được tiếp thêm động lực khi cải cách thuế tại Mỹ được thông qua vào tháng 12 năm ngoái, và sau đó là việc một số tập đoàn tên tuổi thông báo tăng lương và thưởng. Trong khi đó, nền kinh tế tiếp tục cải thiện.

Tuy nhiên, trong khi các nhà giao dịch đổ tiền vào chứng khoán, kéo nhiều chỉ số lên mức cao kỷ lục, có những lo ngại gia tăng trên các sàn giao dịch trước việc lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong bốn năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại tăng lãi suất.

Làn sóng bán ra bắt đầu từ phiên cuối tuần trước, khi số liệu chính thức cho thấy số việc làm mới tại Mỹ tăng và lương tăng mạnh hơn, đưa đến lo ngại lạm phát gia tăng trong năm nay và Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến.

Người phụ trách chiến lược đầu tư toàn cầu của Citigroup, Steven Wieting, dự đoán về sự biến động mạnh hơn của thị trường hướng tới đáy.

Tuy nhiên, trong khi các sàn giao dịch chìm trong sắc đỏ, giới phân tích vẫn lạc quan cho rằng hoạt động bán ra là một sự điều chỉnh cần thiết.

Người đứng đầu bộ phận chiến lược chứng khoán của Saxo Bank, Peter Garnry, tin rằng thị trường chứng khoán đang điều chỉnh mạnh nhưng có thể không kéo dài khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vẫn chưa rơi vào ngưỡng nguy hiểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục