Thị trường dầu mỏ chứng kiến một tuần rớt giá “thê thảm”

11:29' - 05/11/2016
BNEWS Dầu mỏ đã có một tuần rớt giá thê thảm sau khi có báo cáo cho thấy nguồn cung ngày càng tăng mạnh, trong khi triển vọng thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng vẫn còn “xa vời”.
Thị trường dầu mỏ chứng kiến một tuần rớt giá “thê thảm”. Ảnh minh họa: reuters
Trong phiên giao dịch đầu tuần (31/10), giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp trong một tháng, giữa bối cảnh giới đầu tư hoài nghi về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) triển khai kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ theo như dự định. Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12/2016 giảm 1,84 USD (3,78%) xuống khép phiên ở mức 46,86 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,41 USD (2,84%) xuống 48,30 USD/thùng. 
Sang phiên giao dịch ngày 1/11, giá dầu tiếp tục giảm sau khi Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này tăng thêm 9,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 28/10. Tới phiên giao dịch ngày 2/11, giá dầu giảm gần 3% sau khi thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ cao kỷ lục khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 14,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/10, cao hơn rất nhiều so với dự báo 1 triệu thùng và là mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 1982. 
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,33 USD (giảm 2,9%) xuống 45,34 USD/thùng, và có lúc rơi xuống mức thấp nhất năm tuần qua là 44,96 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng giảm 1,28 USD/thùng (2,7%) xuống 46,86 USD/thùng sau khi có thời điểm trượt xuống 46,46 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ ngày 28/9. 
Bước sang phiên giao dịch ngày 3/11, giá dầu thế giới tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp, giữa bối cảnh thị trường vẫn lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn cầu. Trong phiên giao dịch cuối tuần (4/11), giá dầu vẫn chưa thoát khỏi đà giảm, trước những dấu hiệu về quan hệ căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Chốt phiên này, cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đều rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016, với giá dầu Brent Biển Bắc giảm 77 xu Mỹ (1,7%) xuống 45,58 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 59 xu Mỹ (1,3%) xuống 44,07 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã giảm 9%; còn giá dầu Brent giảm 8%. Kể từ đầu tháng 10/2016, giá hai loại dầu này đã giảm 15%. 
Những bất đồng giữa Saudi Arabia và Iran đã nổi lên, sau khi Riyadh cho biết sẽ tăng sản lượng đáng kể, nếu Tehran từ chối cắt giảm nguồn cung. Theo các chuyên gia, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước này đang “phủ bóng đen” lên thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC đề xuất. 
Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi về kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC được loan báo hồi cuối tháng Chín vừa qua tại Algiers. Kế hoạch này sẽ chưa có hiệu lực trước cuộc họp của tổ chức này tại Vienna, Áo, vào ngày 30/11 tới. Theo nhận định của giới chuyên gia, giới đầu tư đang rất quan tâm tới việc liệu OPEC có “giữ lời” và thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng để góp phần tái ổn định thị trường dầu trong thời gian tới hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục