Thị trường lao động Mỹ vẫn khan hiếm nguồn cung

07:43' - 20/09/2022
BNEWS Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19, các chủ sử dụng lao động tại Mỹ đang chật vật tìm người.

Dù nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đã phục hồi nhưng cung lao động vẫn chưa đáp ứng cầu cũng cản trở tăng trưởng kinh tế.

Theo báo New York Times, một số ngành kinh tế tại Mỹ vẫn chưa tìm đủ người làm để vận hành đầy đủ công suất.

Chỉ đến tháng 8 vừa qua, lực lượng lao động mới trở về quy mô như trước đại dịch nhưng vẫn thiếu tới hàng triệu người để có thể đạt được mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Một phần nguyên nhân của tình trạng này cũng là do có khoảng 260.000 người trong độ tuổi lao động tử vong vì COVID-19.

Bên cạnh đó, người di cư hợp pháp giảm khiến lực lượng lao động thiếu khoảng 3,2 triệu người. Theo J.P. Morgan, mức thiếu hụt này tương đương với mức ghi nhận năm 2017.

 

Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này trong tuần qua đã giảm tuần thứ 5 liên tiếp, xuống mức 213.000 đơn trong bối cảnh thị trường lao động đang thiếu hụt nguồn cung.

Trong tuần tính đến ngày 10/9, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 5.000 đơn so với tuần trước (218.000 đơn).

Trong khi đó, trung bình số lượng đơn xin trợ cấp lần đầu hằng tuần trong 4 tuần gần nhất cũng giảm 8.000 đơn xuống mức 224.000 đơn/tuần.

Con số 213.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần mới nhất đánh dấu mức thấp hơn so với trung bình 218.000 đơn/tuần vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuần kết thúc vào ngày 21/3/2020, khi đại dịch lan rộng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã tăng vọt lên 2,9 triệu đơn.

Thống kê mới cho thấy số đơn nộp xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 5 tuần liên tiếp, cho thấy nhu cầu lao động vẫn cao kể cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Số lượng việc tìm người tăng lên 11,2 triệu vào cuối tháng 7 khi cầu chưa đáp ứng cung. Số lượng này vẫn tăng và hiện đã lên trung bình 2 việc làm cho một người lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đẩy mạnh các biện pháp để kiềm chế lạm phát, giới quan sát dự báo thị trường việc làm cũng sẽ quay đầu theo chiều hướng xấu đi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục