Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng để tình trạng “ký rất nhiều, nhưng làm thì quá ít”

17:51' - 11/03/2017
BNEWS Thủ tướng khẳng định, Tây Nguyên vẫn là vùng đất có tiềm năng phát triển to lớn và chưa được khai thác hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 đã diễn ra ngày 11/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đây là một trong ba sự kiện lớn thuộc khuôn khổ Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên.

Là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức trên địa bàn Tây Nguyên với sự tham dự của gần 1000 đại biểu là các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, các học giả, chuyên gia, nhà kinh tế và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên dự hội nghị.

*Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong phát biểu khai mạc, Thượng tướng Tô Lâm nêu rõ, những lợi thế về vị trí địa lý - kinh tế, tài nguyên thiên nhiên đang tạo cho Tây Nguyên một nền tảng rất cơ bản để có thể tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và tăng cường liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, đẩy nhanh hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư.

Ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên có các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư về chi phí san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí lập dự án đầu tư và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh. Các tỉnh Tây Nguyên sẽ thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư.

*Điểm tựa phát triển

Nhấn mạnh vị trí hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Tây Nguyên không chỉ là phên giậu của Tổ quốc mà còn là điểm tựa phát triển của miền Trung, Đông Nam bộ và cả Tây Nam bộ.
Vui mừng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, khá toàn diện của các tỉnh Tây Nguyên, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém cần khắc phục của vùng đất trù phú, giàu tiềm năng này như: Tình trạng mất rừng, mất nguồn nước, đặc biệt là tầng nước ngầm; môi trường sống xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết, Tây Nguyên chưa được khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để nâng cao mức sống người dân.
Dẫn lại một nhận xét: Tây Nguyên như một bữa tiệc đã tàn canh, Thủ tướng khẳng định, Tây Nguyên vẫn là vùng đất có tiềm năng phát triển to lớn và chưa được khai thác hiệu quả.
“Có người nhận xét, Tây Nguyên như một bữa tiệc đã tàn canh, không còn là môi trường hấp dẫn, không còn chỗ dành cho các nhà đầu tư mới đến. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nhận xét này chưa thể hiện được bức tranh đầy đủ, khách quan và toàn diện về tiềm năng, thế mạnh to lớn và độc đáo nhưng chưa được khai thác tốt của Tây Nguyên. Đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như một cô gái đẹp không những ngủ quên mà chưa chuyển mình kịp đất nước và thời đại”, Thủ tướng nói.

 Các nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN

* Gia tăng giá trị sản xuất

Nhắc đến lợi thế của Tây Nguyên với gần 2 triệu ha đất bazan, tương đương 60% đất bazan cả nước phù hợp với cây cà phê, hồ tiêu và có đến 80% diện tích cà phê cả nước, Thủ tướng phân tích đây là những cây công nghiệp hết sức quan trọng của đất nước nhưng vẫn chỉ là xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Việt Nam cũng là nước xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới nhưng vẫn giữ thói quen sản xuất hạt tiêu đen, trong khi sản xuất hạt tiêu đỏ, hạt tiêu trắng có giá trị gấp 4 lần, ngoài ra, là một trong những nước thuộc nhóm đầu sản xuất cao su nhưng Việt Nam cũng xuất thô đến 80%, Thủ tướng cho biết.
Từ những phân tích đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư cần tập trung khai thác những giá trị gia tăng này để có hiệu quả đầu tư cao.
Về tiềm năng du lịch, Thủ tướng cũng chỉ rõ, Tây Nguyên sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tươi đẹp và khí hậu thời tiết đặc biệt phù hợp với kinh tế du lịch. Đây là những lợi thế so sánh mà những vùng đất khác khó có thể có được. Nhấn mạnh đến quyết tâm của Chính phủ và các tỉnh Tây Nguyên để đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Thủ tướng cho rằng,”càng nhiều người biết đến sử thi này thì sức lan tỏa của thương hiệu du lịch Tây Nguyên càng nhiều người biết đến”. Do đó, Thủ tướng đề nghị Tây Nguyên cần có chiến lược phát triển du lịch đa dạng, lưu ý gìn giữ văn hóa bản địa mà tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng.

* Phá rừng là tội ác

Đối với kinh tế nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên phải hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn về nông nghiệp hữu cơ để có giá trị gia tăng lớn; đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm. Cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên, một lần nữa Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là vùng Tây Nguyên mà còn là an ninh của Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và cả nước.
“Ai phá rừng tự nhiên, người đó vi phạm pháp luật và Chính phủ sẽ xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm. Chúng ta phải nhận thức được rằng, bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ nguồn nước, sinh kế của người dân và bảo vệ không gian di sản của cha ông. Mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng gợi mở, bài toán phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu chấm dứt cách phát triển hạ tầng manh mún, quy hoạch lại dân cư, xã hội hóa mạnh mẽ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng văn hóa và kinh tế theo hình thức PPP. Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết vùng, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch.
Đối với vấn đề an ninh trên địa bàn Tây Nguyên, Thủ tướng đề xuất một định hướng mới chuyển đổi từ phương châm: Ổn định để phát triển sang phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài. Thủ tướng cho rằng, để đảm bảo an ninh phải chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân; đồng thời phải đấu tranh kiên quyết với kẻ xấu phá hoại sự bình yên đất nước.
Trước tình hình đáng báo động hàng chục đập thủy điện đang gây nên tình trạng suối cạn, sông khô, Thủ tướng nhấn mạnh, để hồi sinh Tây Nguyên, Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát, kiểm tra tất cả các thủy điện ở Tây Nguyên. “Cái nào không theo thiết kế, quy chuẩn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, về rừng, nguồn nước sẽ buộc phải điều chỉnh, khắc phục”, Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu với các nhà đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tạo nên một nguồn lực mới, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho vùng Tây Nguyên. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp nói đi đôi với làm, đừng để tình trạng “ký rất nhiều, nhưng làm thì quá ít”, Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng; trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục