Thương mại Mỹ-Trung: Vừa gây chiến vừa đàm phán?

06:30' - 10/04/2018
BNEWS Giới quan sát Trung Quốc cho rằng cái gọi là “cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung” khiến dư luận chú ý chưa hẳn đã mất kiểm soát.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh mở đường cho việc áp thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc gây ra quan ngại bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn diện Mỹ - Trung. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tờ Minh báo của Hong Kong đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 vừa qua ký sắc lệnh mở đường cho việc áp thuế 60 tỷ USD với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, cũng như mua lại doanh nghiệp Mỹ. Điều này làm dấy lên quan ngại về việc bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn diện Mỹ-Trung.

Giới quan sát Trung Quốc nêu rõ, mặc dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc song chưa thể thực hiện ngay lập tức bởi sau khi ông ký sắc lệnh liên quan, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ sẽ có 15 ngày để liệt kê các danh mục hàng hóa bị đánh thuế.

Sau khi đưa ra danh sách sơ bộ, thông thường sẽ có ít nhất 30 ngày và Văn phòng Thương mại Mỹ sẽ có 60 ngày để lấy ý kiến người dân Mỹ, sau đó mới công bố danh sách cuối cùng. Vậy một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện Mỹ-Trung có thực sự xảy ra?

Hiện nay ít nhất vẫn còn hơn 2 tháng để hòa hoãn. Trong thời gian này, thái độ của hai nước Mỹ-Trung, các nước trên thế giới và giới doanh nhân Mỹ, đều có thể trở thành mấu chốt ảnh hưởng đến việc xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện Mỹ-Trung.

Theo giới quan sát Trung Quốc, cộng đồng doanh nhân Mỹ giữ thái độ phản đối đối với quyết định đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cụ thể, hàng trăm doanh nghiệp Mỹ gồm 24 doanh nghiệp bán lẻ cỡ lớn như Walmart, 82 doanh nghiệp giày trong đó có Nike, 45 hiệp hội thương mại Mỹ đã lần lượt gửi kiến nghị lên Tổng thống Trump, thúc giục không tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trên  bình diện quốc tế, ban đầu Anh bày tỏ sự ủng hộ Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tuyên bố sẽ đứng về phía quy tắc thương mại quốc tế, Pháp và Đức bày tỏ lo ngại trước quyết định của Mỹ.

Thế nhưng ngày 22/3, Tổng thống Trump tuyên bố 6 nước như Liên minh châu Âu (EU), Argentina, Brazil được miễn thuế quan đối với sản phẩm thép và nhôm khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Như vậy, Mỹ đã dùng mồi nhử lợi ích để lôi kéo đồng minh, hoặc ít nhất cũng khiến các nước này giữ thái độ trung lập, thậm chí ủng hộ Mỹ, khi thực sự bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. 

Giới quan sát Trung Quốc cũng nêu rõ, phản ứng của Trung Quốc trước các hành động trên của phía Mỹ cũng chỉ là “giơ cao đánh khẽ”, trong đó vẫn hy vọng đàm phán để đạt được thỏa thuận.

Giáo sư Học viện kinh tế thuộc Đại học Thanh Đảo (Sơn Đông), Dịch Hiến Dung (Yi Xianrong) nêu rõ, tình huống xấu nhất là xảy ra cuộc chiến tranh thương mại toàn diện Mỹ-Trung và diễn biến đến mức mất kiểm soát, nhưng khả năng này rất nhỏ.

Mặc dù ngày 23/3, Trung Quốc bày tỏ thái độ cứng rắn và rõ ràng nhưng từ biện pháp đối phó của Trung Quốc có thể thấy vẫn là “giơ cao đánh khẽ”, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng lập trường chủ đạo của Trung Quốc là hy vọng hai bên thông qua đàm phán đạt được thỏa thuận.

Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này bắt đầu từ ngày 2/4 áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ, trong đó có thịt lợn và hoa quả, với tổng trị giá 3 tỷ USD, nhằm đáp trả các rào cản thương mại mới đây của Washington.

Theo Giáo sư Dịch Hiến Dung, phía Mỹ cũng không hoàn toàn từ chối đàm phán để hòa giải. Donald Trump đã đưa ra điều kiện, yêu cầu Trung Quốc giảm bớt 100 tỷ USD thặng dư thương mại trong thương mại song phương với Mỹ.

Thế nhưng đây là điều kiện rất khó khăn cho Trung Quốc. Một mặt, thặng dư thương mại của Trung Quốc đang giảm, đồng thời căn cứ vào số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2017 thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đối với Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) đạt kỷ lục, lên đến 375 tỷ USD, cho thấy xu thế thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn đang tăng.

Mặt khác, xuất khẩu là nguồn cung cấp cơ hội việc làm quan trọng của Trung Quốc, tin rằng Trung Quốc sẽ không giảm bớt xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể thông qua đơn hàng nhập khẩu lớn như mua sản phẩm nông nghiệp, máy bay Boeing hoặc năng lượng của Mỹ, để giảm bớt con số thặng dư thương mại với Mỹ. Nhưng rõ ràng như vậy cũng không đủ để lấp đầy khoản 100 tỷ USD mà phía Mỹ đưa ra.

Trái lại, trong mắt Trung Quốc, Mỹ cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc đã góp phần khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng nới rộng, cho nên Mỹ cần chịu trách nhiệm về khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Giáo sư Dịch Hiến Dung bày tỏ, Mỹ-Trung liệu có đạt được thỏa thuận hiện nay vẫn rất khó xác định, hai bên có thể vừa "gây chiến" vừa đàm phán.

Biện pháp đáp trả của Trung Quốc cũng không phải chỉ là thuế quan chống cấm vận, Trung Quốc còn có thể chủ động làm mất giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Trung Quốc, dành cho đối thủ cạnh tranh với Mỹ quy chế đãi ngộ tối huệ quốc, hạn chế công dân Trung Quốc sang Mỹ, thậm chí vứt bỏ trái phiếu Mỹ với quy mô lớn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục