Tình hình Thái Lan ba năm sau đảo chính quân sự

06:30' - 02/06/2017
BNEWS Loạt vụ đánh bom nhỏ gần đây ở thủ đô Bangkok chứng tỏ những nhân tố ngầm gây bất ổn ở Thái Lan vẫn chưa được vô hiệu hóa dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.
Tình hình Thái Lan ba năm sau đảo chính quân sự. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Bài viết trên mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor cho rằng một loạt vụ đánh bom nhỏ gần đây ở thủ đô Bangkok của Thái Lan chứng tỏ những nhân tố ngầm gây bất ổn ở Thái Lan vẫn chưa được vô hiệu hóa dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.

Ngày 22/5 đánh dấu tròn 3 năm ngày quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính, lên nắm chính quyền. Vụ nổ mới nhất xảy ra tại Bangkok cũng đúng vào ngày 22/5 bên trong một bệnh viện quân đội ngay trung tâm thành phố, làm bị thương ít nhất 21 người.

Chưa ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công, song người phát ngôn của chính phủ buộc tội phe đối lập đang âm mưu làm mất tín nhiệm của chính quyền quân sự.

Vụ nổ tương đối nhỏ, không gây thiệt hại lớn cho tòa nhà, và hầu như không có ai bị thương nặng. Tuy nhiên, xét về thời điểm cũng như mục tiêu của vụ đánh bom, có thể nhận định đây là "vụ tấn công mang động cơ chính trị".

Nhìn chung, những vụ tấn công bằng bom loại nhỏ, nhằm vào những mục tiêu mang tính biểu tượng thường không nhằm mục đích gây thương vong lớn, thường xuyên xảy ra ở Thái Lan vào những giai đoạn bất ổn chính trị.

Vụ việc hôm 22/5 là vụ tấn công thứ ba kiểu này chỉ trong vòng một tháng qua. Ngày 5/4, hai người đã bị thương do một vụ nổ bom bên ngoài Cục Xổ số Nhà nước ở Bangkok. Và ngày 14/5, hai người đã bị thương do một quả bom phát nổ bên ngoài Nhà hát Quốc gia Bangkok, gần nơi Cố Nhà Vua Bhumibol Adulyadej sẽ được hỏa táng vào cuối năm nay.

Giới chức Thái Lan nhìn chung đều phớt lờ hoặc hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, các vụ tấn công gần đây xem ra đã khiến chính quyền quân sự mất bình tĩnh.

Đơn cử như, thay vì tuyên bố vụ việc hôm 14/5 chỉ là một vụ tai nạn (như kết luận ban đầu của cảnh sát) hay buộc tội cho các thành phần tội phạm ở địa phương (một phản ứng thông thường), chính quyền quân sự cho rằng thủ phạm là những phần tử phản đối chính quyền quân sự và đã tăng cường an ninh trên toàn thủ đô.

Sau vụ đánh bom tại bệnh viện, Tổng Tư lệnh Lục quân Thái Lan Chalermchai Sitthisart đã liên kết toàn bộ 3 vụ tấn công và gọi vụ đánh bom bệnh viện là vụ "tồi tệ nhất từ trước đến nay" ở Thái Lan. Một cố vấn an ninh của chính quyền quân sự cho rằng có khả năng có một mạng lưới chuyên nghiệp đứng sau các vụ này.

Một trong những cái cớ để quân đội thực hiện vụ đảo chính năm 2014 và duy trì sự cai trị "bàn tay sắt" là nhu cầu khôi phục trật tự cho Thái Lan sau gần một thập kỷ rối ren chính trị dẫn đến bạo lực và tê liệt trong việc hoạch định chính sách.

Và trên thực tế trong ba năm qua, Thái Lan đã tương đối bình yên (ngoại trừ vụ nổi dậy ở mức độ thấp của phiến quân Hồi giáo người gốc Mã Lai ở miền Nam Thái Lan, những người này không chắc có liên quan đến các vụ tấn công ở Bangkok).

Du khách thăm quan một khu chợ đêm tại Hua Hin. Ảnh: UPI/TTXVN

Chính quyền quân sự đã đàn áp thành công những người bất đồng chính kiến và gần như đã vô hiệu hóa được những phần tử cứng rắn ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Đặc biệt là trong sáu tháng qua, chính quyền quân sự đã có thể duy trì trật tự, trong khi tiếp tục trì hoãn việc thực hiện lời hứa tổ chức bầu cử (hiện bị lùi đến thời điểm sớm nhất là vào cuối năm 2018).

Tuy nhiên, cùng với thời gian sau sự ra đi của Nhà Vua Thái Lan, ngày càng nhiều luồng quan điểm bất mãn tái nổi lên. Chính quyền quân sự đang cố gắng thực thi cái gọi là "dân chủ có kiểm soát", theo đó trao quyền cho những thể chế không phải do dân cử như là tòa án, và đặc biệt là quân đội, trong khi tước bỏ quyền lực của những chính khách dân sự.

Thái Lan cũng đang tìm cách thực thi chương trình nghị sự phát triển kinh tế dài hạn đồ sộ. Nếu thành công, những chính phủ dân sự trong tương lai không thể thay đổi cơ chế vận hành nền kinh tế. Nhờ đó, quân đội có thể đảm bảo rằng các các chính phủ dân sự sẽ không nhận được nguồn tài trợ từ giới doanh nghiệp để gây dựng những liên minh chính trị.

Tuy nhiên, sự bất mãn vẫn tồn tại và rõ nhất là ở những vùng nghèo và đông dân ở khu vực Đông Bắc Thái Lan, nơi kinh tế ảm đạm và tự do ngôn luận bị kiểm soát nghiêm ngặt đang khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.

Vựa lúa Isaan là nơi tập trung tới 1/3 dân số Thái Lan và một số tỉnh nghèo nhất đất nước. Người dân ở đây đã bỏ phiếu cho bà Yingluck Shinawatra nhưng chính phủ của bà đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014 do Tướng Prayuth Chan-o-cha đứng đầu.

Chính quyền quân sự đã cố gắng ngăn chặn nguy cơ bất ổn chính trị mới bằng cách "rót" hơn 1 tỷ USD tiền mặt cho người dân ở khu vực này.

Đối với chính quyền quân sự, những nỗ lực kể trên đều ẩn chứa nguy cơ gây ra cuộc tranh giành quyền lực rộng hơn, kể cả trong nội bộ quân đội vốn bị chia rẽ.

Ông Thaksin đã từng chứng tỏ được rằng các chính khách dân sự có thể thách thức cơ chế được quân đội ủng hộ bằng cách đoàn kết những lợi ích của cử tri với lợi ích của các khối doanh nghiệp cũng như những lực lượng an ninh muốn có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn.

Đồng thời, nhà Vua mới đang tìm cách thiết lập một cơ sở quyền lực độc lập với chính quyền quân sự, mở ra cơ hội cho những liên minh mới.

>>> Harley-Davidson lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Thái Lan

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục