Tìm giải pháp linh hoạt cho hệ thống điện

16:57' - 27/08/2021
BNEWS Chiều 27/8, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề: Các giải pháp đảm bảo tính linh hoạt và ổn định của hệ thống điện.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận về bối cảnh, các giải pháp linh hoạt cho hệ thống điện và ứng dụng tăng cường tính linh hoạt cho hệ thống điện tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho hay, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của năng lượng tái tạo, như: điện mặt trời, điện gió. Chỉ trong 2 năm qua, điện mặt trời của Việt Nam đã lọt Top 10 thế giới về công suất lắp đặt.

Tuy nhiên, đây là sự phát triển nóng, chưa đồng bộ với hệ thống điện, truyền tải. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý và đơn vị vận hành hệ thống điện. Có thể nhận thấy, năng lượng tái tạo sẽ là hướng đi mà Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai trong nhiều năm tới. 

Bà Nguyễn Thị Hà, đại diện GreenID chia sẻ, vào cuối năm 2020, điện mặt trời đã ghi nhận công suất lắp đặt khoảng 17 GW, với điện gió, dự kiến có thể đạt 11-12 GW vào năm 2025. Để đảm bảo tối ưu trong sử dụng năng lượng, trên thế giới đã có nhiều pháp như pin tích trữ, động cơ đốt trong, tuabin khí, điện than…

“Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, từ năm 2030 trở đi, pin tích trữ dự kiến sẽ được hỗ trợ trong hệ thống điện. Băn khoăn lớn nhất là đưa vào chậm như vậy có ổn không, liệu có giải pháp nào thúc đẩy nhanh hơn không?”, bà Hà đặt vấn đề.

Báo cáo tại tọa đàm của GreenID, hiện nay Việt Nam chưa có chính sách về nguồn điện linh hoạt như: pin tích trữ, động cơ đốt trong linh hoạt ICE, thủy điện tích năng. Về thị trường chưa có thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh như: chưa có giá lưu trữ, giá điều tần… Về tài chính, nguồn lực đầu tư cho vấn đề này còn hạn chế… do vậy, cần có thêm những dự án thử nghiệm, nghiên cứu sâu.

Chia sẻ về giải pháp, TS. Nguyễn Đức Tuyên, Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay,  về mặt công nghệ, lưu trữ năng lượng ngắn hạn và dài hạn sẽ đóng vai trò quan trọng trong sử dụng năng lượng.

Có 3 xu hướng của chuyển dịch năng lượng đang thúc đẩy các đổi mới trong hệ thống, như: Điện khí hóa và tích hợp lưới điện như xe điện, điện phân tán gồm điện mái nhà, tuabin gió nhỏ, tạo cộng đồng năng lượng để tránh tổn thất lưới điện và trả thuế cho vận hành lưới điện. Cuối cùng là số hóa, tận dụng công nghệ giám sát, điều khiển kỹ thuật số trong vận hành lưới điện...

Theo TS. Ngô Dương Hoàng Thao, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Group Global One, trong ngành năng lượng tái tạo, nhu cầu đặc biệt cho việc lưu trữ điện mặt trời sau giờ nắng vì hệ thống lưu trữ giúp nhà đầu tư tăng doanh thu, hiệu suất đầu tư và ổn định nguồn điện, giá cả...

Có thể kể đến các giải pháp lưu trữ năng lượng như Xelectric - phát điện dựa vào loại pin LifePO4 (LFP). Đây là công nghệ không sử dụng kim loại hiếm, hạn chế tác hại môi trường, giải quyết nhiều vấn đề ổn định, thay thế nguồn phát điện…

Cùng đó là công nghệ all iron Flow Battery của Mỹ sử dụng sắt, muối, nước mà không gây hại môi trường. Tiếp theo 3 là công nghệ Polar Night Energy, sử dụng cát để trữ năng lượng, đang được châu Âu rất quan tâm, khả năng lưu trữ được năng lượng trong vài tháng.

TS. Ngô Dương Hoàng Thao cho biết thêm, giải pháp là vậy, song chính sách hiện cũng chưa rõ ràng, chưa có chính sách nào điện từ các thiết bị lưu trữ được bán giá bao nhiêu…

Các chuyên gia cho rằng, về mặt chính sách, Việt Nam cần đưa ra mốc sớm hơn về các giải pháp linh hoạt trong Quy hoạch Điện VIII tới đây. Cùng với đó là mức độ ưu tiên của nhà nước cho vấn đề này để có các chính sách hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý minh bạch, khuyến khích phát triển…

TS. Phạm Minh Thành, Giám đốc quốc gia của Wartsila cho hay, điện khí ngoài cung cấp công suất nền còn có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện linh hoạt để kết hợp với các hệ thống tích trữ đảm bảo năng lượng tái tạo tích hợp vào toàn bộ hệ thống mà không gây bất ổn tới lưới điện.

“Vai trò các nguồn điện linh hoạt cần được thể hiện trong Quy hoạch Điện VIII và sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh, thị trường dịch vụ phụ trợ, cùng các cơ chế chính sách mới sẽ là rất cần thiết để khuyến khích đầu tư các nguồn điện mới này”, TS Phạm Minh Thành nêu.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam dự định sẽ tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong những năm tới, tuy nhiên, hệ thống điện Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức mới trong việc đảm bảo độ tin cậy của hệ thống và cân bằng nguồn cung cầu điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cũng đã chia sẻ những khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện thời gian tới, cũng như huy động các nguồn phát điện linh hoạt.

Sự biến động ngày càng tăng của phụ tải và việc tích hợp năng lượng tái tạo với tỷ trọng lớn hơn đòi hỏi không chỉ phải nâng cấp, đầu tư hệ thống truyền tải mà còn đặt ra những yêu cầu mới về tính linh hoạt của hệ thống. Nếu không có sự bổ sung các nguồn linh hoạt, việc duy trì và cải thiện sự cân bằng giữa độ tin cậy, chi phí điện hợp lý và tính bền vững được nhận định là rất khó khăn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục