Tìm thị trường cho sản phẩm chăn nuôi an toàn

06:30' - 24/05/2016
BNEWS Để các sản phẩm chăn nuôi an toàn đến với người tiêu dùng, bản thân người tiêu dùng cần phải thay đổi nhận thức: "Nói không với thực phẩm không an toàn".
Chăn nuôi theo kiểu VietGAP. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Trong cơn bão thực phẩm "bẩn" đang hoành hành, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng trở nên cấp thiết đối với người tiêu dùng.

Hàng loạt những trang trại chăn nuôi đã được tuyên truyền phổ biến và chuyển đổi mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi (VietGAHP).

Tuy nhiên, để các sản phẩm chăn nuôi an toàn đến với người tiêu dùng, bản thân người tiêu dùng cần phải thay đổi nhận thức: "nói không với thực phẩm không an toàn".

Công ty trang trại Bảo Châu, tại thị trấn Sóc Sơn (Hà Nội) tham gia vào chuỗi liên kết các trang trại và hộ nông dân chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAHP từ năm 2013.

Đến nay, Bảo Châu đã xây dựng được hệ thống chuồng trại sạch, đạt tiêu chuẩn chăn nuôi theo công nghệ vi sinh Nhật Bản. Trung bình mỗi tháng, trang trại Bảo Châu xuất chuồng khoảng 500 con lợn, cung cấp cho trên 30 đại lý tại Tp. Hồ Chí Minh và 20 đại lý tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đại Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trang trại Bảo Châu chia sẻ, trang trại thực hiện chu trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ. Sản phẩm luôn đảm bảo tiêu chí an toàn và sạch. Việc chăn nuôi theo mô hình khép kín giúp doanh nghiệp kiểm soát được quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tự chủ được đầu ra cho sản phẩm.

“Tại Singapore, một kg thịt lợn nuôi theo công nghiệp sinh học được bán với giá xấp xỉ 40 USD/kg, đắt hơn nhiều so với giá 200.000 đồng/kg cho loại sản phẩm ngon nhất mà chúng tôi cung cấp cho thị trường trong nước, với giá này rõ ràng người tiêu dùng có thể chấp nhận được”, ông Thắng nói.

Còn tại Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), việc kinh doanh và sản xuất được thực hiện theo chuỗi liên kết giữa 50 trang trại lợn và 40 trang trại gà theo mô hình khéo kín từ cung cấp thức ăn đến thu mua sản phẩm, với tinh thần hợp tác và chia sẻ lợi nhuận của người chăn nuôi và các chủ trang trại.

Giám đốc hợp tác xã Trần Văn Chiến cho biết, các trang trại tham gia vào mô hình này đều hài lòng và đánh giá đây là mô hình phù hợp, có đủ cơ sở điều kiện để duy trì lâu dài và hiệu quả.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang chủ trì và quản lý 7 dự án chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng công nghệ VietGAHP trên vật nuôi. Đây được xem là mô hình công nghệ khép kín theo liên kết chuỗi đảm bảo các yếu tố sản xuất sạch, chi phí thấp và tạo đầu ra cho nông nghiệp.

Sau 3 năm thực hiện, VietGAHP đã được phổ cập và áp dụng rộng rãi tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chỉ tính riêng khu vực miền Bắc đã có hơn 7.000 hộ chăn nuôi được tham gia mô hình. Bên cạnh đó, các hộ này còn được hướng dẫn cách ghi sổ tay chăn nuôi, quản lý việc sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi…

Trong sản xuất chăn nuôi hiện đã xuất hiện rất nhiều các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp thịt, trứng, sữa chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Vinamilk đưa vào hoạt động trang trại bò sữa theo công nghệ hàng đầu thế giới. Ảnh: Quỳnh Trang

Điển hình như chuỗi thịt lợn, thịt và trứng gia cầm của Công ty cổ phần CP, Visan, Tập đoàn DABACO...; các chuỗi về sữa của TH milk, Mộc Châu, Vinamilk... Đặc biệt đến nay, đã có trên 100 trang trại chăn nuôi lớn và hơn 9.000 hộ chăn nuôi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFESAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng vốn lên tới 79,03 triệu USD đã được triển khai trên 12 tỉnh, thành phố của cả nước. Mục tiêu chung của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn.

Những dự án này đã và đang làm thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Nhiều trang trại đã thực hành phương thức sản xuất mới và thu được những tín hiệu tích cực. Mặc dù vậy, việc tạo thị trường đầu ra cho thực phẩm sạch vẫn đang là một nút thắt chưa được tháo gỡ của những mô hình này.

Ông Đinh Xuân Thủy, chủ trang trại chăn nuôi Xuân Thủy, xã Hồng Quang, huyện Mỹ Hòa, Hà Nội phân tích, mặc dù Hợp tác xã phân cho nuôi tổng cộng 50.000 con lợn theo công nghệ sinh học, nhưng cho tới nay, ông mới chỉ dám nuôi 1.000 con. Lý do vì lượng thu mua lợn sạch tại các lò mổ cũng như đơn vị phân phối còn thấp và chưa đáp ứng được lượng cung theo kế hoạch.

Ông Thủy cho rằng, không dễ tìm đầu ra cho sản phẩm sạch, đặc biệt khi giá thành của sản phẩm loại này luôn cao hơn sản phẩm công nghiệp từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Khó khăn trong chăn nuôi theo công nghệ sạch của ông hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng nhưng khó là nuôi rồi nhưng đầu ra lại chưa nhiều.

Thừa nhận đầu ra là một trong những vướng mắc lớn nhất của hệ thống chăn nuôi theo mô hình sạch, ông Nguyễn Đại Thắng cho hay, công ty phải chủ động xây dựng hệ thống phân phối của riêng mình để vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng và giết mổ, vừa chủ động đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy thịt lợn của Bảo Châu mới giữ vững được thương hiệu và tạo uy tín trên thị trường.

Thực tế cho thấy, rất khó để có thể nhận diện một cách chính xác đâu là thịt lợn an toàn và đâu là thịt lợn nuôi công nghiệp. Lợn an toàn thường không có mẫu mã bắt mắt, tỷ lệ mỡ/nạc lớn. Hơn nữa, giá thành loại thịt lợn này lại thường cao hơn lợn thường.

Do đó, rất khó để có thể thuyết phục được người tiêu dùng lựa chọn mua thịt an toàn. Thương lái thường chạy theo lợi nhuận nên cũng ưa thích thu mua sản phẩm lợn nuôi công nghiệp hơn là các sản phẩm "sạch".

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, khâu liên kết trong các chuỗi sản xuất hiện còn lỏng lẻo do thiếu các doanh nghiệp bao tiêu, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu theo phương thức bán buôn qua các thương lái, nên hiệu quả chưa cao.

Theo ông Đăng, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những chính sách vay vốn ưu đãi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết quy mô lớn cũng cần được chú trọng hơn.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân khẳng định, Cục Chăn nuôi sẽ sớm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các chính sách cụ thể, nhằm đẩy mạnh quản lý và tạo thị trường cho các chuỗi liên kết sản xuất.

Tuy nhiên, Cục trưởng lưu ý, để giải quyết vướng mắc cho khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo công nghệ sạch, cần chú trọng tới khâu tuyên truyền và thay đổi nhận thức tiêu dùng sản phẩm của người dân, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các sản phẩm sạch, góp phần nói “không” với thực phẩm không an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục