Tồn đọng container phế liệu tại các cảng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp

21:16' - 31/01/2019
BNEWS Hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước
 Quang cảnh buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2019. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Thông tin về tình trạng tồn đọng container phế liệu, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều tối 31/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).

Việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp từ 600.000-800.000 USD/ngày.

Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối giao hàng hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách hơn, thực chất hơn năm 2018, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con, tạo chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Nêu rõ sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, không lấy lý do đó để tạo thêm rào cản, chi phí vô lý cho doanh nghiệp. Nếu là các lô hàng rác thải ô nhiễm, vô chủ thì phải cương quyết ngăn chặn, xử lý, nhưng nếu là lô hàng phế liệu làm nguyên liệu đủ điều kiện, bảo đảm an toàn môi trường thì phải được thông quan, không để ảnh hưởng đến sản xuất.

Trước tình trạng này, báo giới đặt câu hỏi về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và giải pháp khắc phục. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, quy định của Thông tư 08/2018/TT-BTNMT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT về quy chuẩn môi trường đối với phế liệu nhập khẩu được xây dựng nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo và đường hướng hạn chế nhập khẩu phế liệu, trong bối cảnh các nước láng giềng đã có những chính sách nghiêm khắc đối với việc nhập khẩu phế liệu.

Hai thông tư này đã đáp ứng được việc hoàn thiện các quy định, quy chuẩn về nhập khẩu phế liệu theo hướng nghiêm khắc hơn để bảo vệ môi trường cho đất nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trong bối cảnh một loạt văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hải quan đã “vô tình sinh ra chồng chéo, khó thực hiện cho các đơn vị ở địa phương và cũng do cách thực hiện của một số Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thực sự sâu sát, sáng tạo để giảm thời gian thông quan của các lô hàng”.

Ông Lê Công Thành cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thời gian tới sẽ sửa đổi các quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu theo hướng tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan tài nguyên - môi trường ở địa phương thay cho việc kiểm tra trước thông quan.

Việc thông quan sẽ dựa trên cơ sở giấy chứng nhận đánh giá kết quả sự phù hợp của các tổ chức đánh giá độc lập. “Từ thực tế này, chúng tôi thấy rằng công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực cần thực hiện sâu sắc hơn, việc xử lý các vướng mắc, nhạy cảm về thay đổi các quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan”, ông Lê Công Thành nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển trên cả nước là con số rất lớn. Nếu thông quan tốt sẽ có tác động tích cực, kịp thời cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn nếu chậm thông quan, ngoài việc chịu tiền phạt, doanh nghiệp còn không có nguyên liệu để sản xuất, công suất giảm, công nhân phải nghỉ việc, bị đối tác cắt hợp đồng, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các hãng tàu…

Bộ trưởng dẫn chứng, một container phế liệu phải bốn cơ quan kiểm tra gồm Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cấp cho doanh nghiệp đủ điều kiện tiêu chuẩn để nhập khẩu phế liệu; phải qua cơ quan kiểm hóa của Hải quan; cơ quan giám định độc lập (hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định 13 cơ quan giám định độc lập) và cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên và Môi trường tại nơi nhà máy đóng. Nhà máy đóng ở một nơi nhưng hàng về nơi khác, ví dụ hàng về cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng nhà máy không nằm ở thành phố mà nằm ở các tỉnh, thành phố, khi có giấy giám định của cơ quan kiểm định độc lập mới chuyển giấy đó về Sở Tài nguyên và Môi trường, sở lại cử cán bộ xuống cảng bật container để nhìn bằng mắt thường xem có đúng là phế liệu không...

Theo Bộ trưởng, nhà máy cần nguyên liệu nhưng không thông quan được. Hải quan cho rằng khi thông quan phải áp dụng theo quy định cũ nhưng quy chuẩn lại không có.

Ngày 17/1, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo cả nước mở tờ khai lô hàng phế liệu thực hiện theo chất lượng quy chuẩn, tiêu chuẩn Thông tư 08, 09 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nêu câu chuyện Hải quan đổ lỗi cho Tài nguyên – Môi trường, Tài nguyên – Môi trường lại đổ lỗi cho Hải quan, Bộ trưởng đặt vấn đề cần minh bạch.

Ông cũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ cùng ngày, Thủ tướng đã nêu ý kiến trong việc ban bành thông tư không đánh giá kỹ tác động, trong khi Tổ công tác kiểm tra, Thủ tướng đã nghe nhiều doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh vấn đề này.

“Chúng ta đã họp nhiều lần nhưng không ai giải quyết, đã lâu rồi, đến nay đã 7 - 8 tháng và dù bán cả ruột và vỏ container này cũng không đủ tiền nộp phạt. Chúng ta phải thấu hiểu doanh nghiệp...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, một lô hàng container tại cảng Thị Vải – Cái Mép mất 29 ngày mới thông quan được, trong đó thời gian thông quan của Sở Tài nguyên và Môi trường chiếm 90%, thời gian còn lại là Hải quan phải chờ giấy của sở. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ là không giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương, yêu cầu ra thông báo hủy bỏ Thông tư 08, 09./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục