Tp Hồ Chí Minh thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

09:37' - 06/04/2017
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh xác định cần giúp phụ huynh và học sinh nhìn nhận đúng vị trí của giáo dục nghề nghiệp; thấy được lợi ích của việc học nghề, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí.
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 .Ảnh: TTXVN

Trong điều kiện số lượng học sinh hàng năm tăng nhanh, bên cạnh việc tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp đáp ứng nhu cầu người học, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo học nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực qua đào tạo cho xã hội.

Giảm tỷ lệ học sinh vào trường công lập

Theo chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố, năm học 2017-2018, các trường trung học phổ thông công lập của thành phố chỉ tuyển 77% trong tổng số hơn 81.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở trên địa bàn;

Như vậy sẽ có khoảng 18.000 em không được vào học lớp 10 công lập. Số học sinh này sẽ tiếp tục theo các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và học nghề tùy theo khả năng và nhu cầu của học sinh. 

Thực tế cho thấy, mặc dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập hàng năm đều tăng nhưng không thể đáp ứng yêu cầu thực tế khi số học sinh trên địa bàn tăng nhanh theo tốc độ tăng dân số cơ học.

Điển hình, trong năm 2017-2018 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập của thành phố là hơn 63.000 học sinh (tăng hơn 1.000 so với tổng chỉ tiêu năm trước) nhưng số học sinh năm học này tăng tới khoảng 15.000 em.

Dự báo số lượng học sinh sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Do vậy, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, thành phố đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học cơ sở, giảm tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập, tăng tỷ lệ học sinh chọn học nghề.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, lộ trình từ nay đến năm 2020 tỷ lệ vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%, đến năm 2020 chỉ còn 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập, số còn lại sẽ phân luồng.

Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố lưu ý, các em học sinh và phụ huynh nên suy nghĩ đến việc chọn học nghề chứ không nên bằng mọi giá được vào lớp 10 công lập mà chọn trường ở quá xa, khó khăn cho việc đến trường.

Khi tư vấn cho học sinh chọn nguyện vọng vào lớp 10 công lập, các thầy cô giáo cần định hướng cho các em chọn trường sao cho thuận tiện, phù hợp với hoàn cảnh gia đình và đặc biệt là phải phù hợp năng lực học tập của bản thân.

Bởi, nếu học sinh không vào được các trường công lập vẫn còn rất nhiều hình thức học tập khác phù hợp như học tại trường trung cấp chuyên nghiệp, trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó, riêng hệ thống giáo dục thường xuyên thành phố có 12.000 chỉ tiêu, còn khối trung cấp chuyên nghiệp có 40.000 chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm.

Đẩy mạnh tư vấn phân luồng

Thời điểm này, các trường trung học cơ sở đang tích cực tổ chức cho phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về tuyển sinh vào lớp 10. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác tư vấn phân luồng học sinh, thông tin đầy đủ để các em lựa chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân.

Trong đó, cần giúp phụ huynh và học sinh nhìn nhận đúng vị trí của giáo dục nghề nghiệp; thấy được lợi ích của việc học nghề, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, các em có công việc sớm và ổn định.

Mặt khác, hiện nay việc liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, đại học hiện nay rất thuận lợi nên sau khi học nghề, nếu các em có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục học lên bậc học cao hơn.

Theo đề án phân luồng học sinh sau trung học, thành phố phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện mục tiêu này, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, theo đó mỗi trường có ít nhất một giáo viên chuyên trách công tác này; xây dựng phần mềm chuyên dụng để khảo sát năng lực nghề nghiệp cho học sinh từ đó có hướng tư vấn theo kết quả khảo sát của từng em nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, truyền thông thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao vị thế hình tượng của người "Công nhân kỹ thuật" trong xã hội. Đặc biệt, thành phố tập trung phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt, những năm qua, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh luôn được thành phố chú trọng.

Thống kê trong năm học vừa qua, thành phố có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không nộp đơn thi tuyển vào lớp 10 công lập mà lựa chọn theo học nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Tín hiệu đáng mừng này cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được nâng lên. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục