Tp. Hồ Chí Minh: Vốn huy động tăng hơn 14%

16:10' - 07/06/2018
BNEWS Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố đến tháng 5 đạt hơn 2.082,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,83% so với tháng trước.
Vốn huy động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần chiếm 50,85% tổng vốn huy động. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố đến tháng 5 đạt hơn 2.082,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 14,47% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, vốn huy động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần chiếm 50,85% tổng vốn huy động, tăng 9,08% so tháng cùng kỳ. Tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng 49,81% tổng vốn huy động, tăng 7,54% so với tháng cùng kỳ.

Nguồn vốn huy động dự ước tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, đảm bảo khả năng thanh khoản và điều kiện để tăng trưởng tín dụng đạt kết quả tích cực trong năm 2018.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 5/2018 đạt gần 1.855,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,82% so với cùng kỳ và tăng 5,37% so với tháng 12/2017; trong đó, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt hơn 972,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,39% tổng dư nợ và tăng 12,76% so tháng cùng kỳ.

Dự ước dư nợ tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với các năm trước, giúp cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ghi nhận chung trên thị trường, đây là tháng thứ hai liên tiếp Ngân hàng Nhà nước phải bơm ròng tiền vào hệ thống. Lãi suất liên ngân hàng ổn định hơn vào đầu tháng nhưng tăng trở lại vào nửa cuối tháng, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn.

Tuy nhiên, đánh giá thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa đáng lo ngại, nhưng các chuyên gia cho rằng, cần phải theo dõi các yếu tố mới phát sinh bao gồm nhập siêu và xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo phân tích của các chuyên gia, khi nguồn cung ngoại tệ giảm, lượng tiền VND bơm ra để mua USD cũng giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung VND và thanh khoản ngân hàng.

Bên cạnh đó, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng không thể giữ lâu trong hệ thống ngân hàng. Những nút thắt về cơ chế và thủ tục trong giải ngân đầu tư công sớm muộn cũng được khai thông để có nguồn vốn phát triển kinh tế, xã hội.

Riêng áp lực tỷ giá gia tăng vào cuối tháng 5 được xem là dẫn tới đợt biến động mạnh nhất kể từ đầu năm. Chỉ số USD Index tăng 7% từ mức đáy năm 2018 lên 94,8 điểm.

Từ đó, kéo tỷ giá USD/VND vượt mạnh khỏi ngưỡng 22.800 đồng tăng lên 22.880 đồng, tăng 80 đồng chỉ trong vòng một tuần và cao hơn 0,64% so với đầu năm.

Hiện, tỷ giá trong nước vẫn được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố như với dự trữ ngoại hối kỷ lục 64 tỷ USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể sẵn sàng can thiệp điều tiết thị trường khi cần thiết.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm xuống 22.566 đồng vào ngày 1/6/2018. Đây có thể coi là tín hiệu rõ ràng cho thị trường và có tác dụng ngay sau đó khiến tỷ giá giảm 40 đồng về mức 22.840 đồng.

Mặc dù vậy, cũng giống như thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp là những ấn số cho thị trường ngoại hối đòi hỏi cần phải được theo dõi giám sát chặt chẽ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục