Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam

18:08' - 25/05/2022
BNEWS Ngày 25/5, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tổ chức diễn đàn về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam lần thứ hai,

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp niêm yết, kiểm toán, trường Đại học...

 


Diễn đàn này là sự tiếp nối thành công của diễn đàn lần thứ nhất về chủ đề “Chuyển đổi áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) – Thời điểm vàng để doanh nghiệp bứt phá” nhằm hỗ trợ các đơn vị liên quan trong quá trình áp dụng báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Đây cũng là sự kiện trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật “Tăng cường năng lực của Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán nhằm đẩy mạnh việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam” giữa Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và JICA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

 

Theo đại diện JICA Việt Nam, diễn đàn lần này được kỳ vọng sẽ giúp các cơ quan hữu quan từ khối Chính phủ, tư nhân và cơ sở đào tạo tại Việt Nam cùng thấu hiểu sâu sắc sự khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cũng như xúc tiến trao đổi quan điểm về lộ trình áp dụng IFRS.
Ông Kobayashi Masaya, đại diện JICA Việt Nam chia sẻ: “Nhật Bản là quốc gia duy nhất chọn áp dụng tự nguyện IFRS từ đầu những năm 2010 dựa trên những cuộc trao đổi giữa các cơ quan hữu quan theo các diễn đàn công và tư. Chúng tôi hy vọng việc trao đổi, bàn thảo chính sách giữa các cơ quan hữu quan như hôm nay tiếp tục được duy trì để tìm ra phương án tiếp cận tốt nhất cho việc áp dụng IFRS phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam”.
Bà Trần Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho hay, diễn đàn đã mở ra cơ hội để các bên cùng thảo luận và giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng như một số nội dung quan trọng khác về sự khác biệt giữa phương pháp nguyên tắc và phương pháp quy tắc, sự khác biệt giữa IFRS và VAS...
Đại diện Deloitte Việt Nam cho hay: “Theo khảo sát mới nhất của Deloitte và HOSE cuối năm 2021, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc áp dụng IFRS đã tăng đáng kể so với năm 2020, dao động trong khoảng 3.5 – 3.6, vượt ngưỡng mức trung bình là 2.5.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Diễn đàn này phần nào hỗ trợ giải quyết 2 trong 5 thách thức lớn nhất theo khảo sát, đó là làm rõ những khác biệt giữa VAS – IFRS và bổ sung tư vấn về thể thức thực hiện từ các cơ quan quản lý trong việc áp dụng IFRS. Deloitte Việt Nam hy vọng những diễn đàn chia sẻ báo cáo, tư vấn như hôm nay sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đặt những viên gạch, tạo nền móng vững chắc để chạm tới đích vào năm 2025”.
Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đánh giá cao đơn vị tư vấn Deloitte Nhật Bản và Việt Nam trong việc đưa ra các kế hoạch, đề xuất triển khai các hoạt động cần thiết. Cùng với những chia sẻ của đơn vị tư vấn về các nội dung khác biệt và ý kiến phản hồi của các tổ chức, cá nhân tham dự diễn đàn, Cục tin rằng những vướng mắc trong triển khai thực hiện sẽ được phân tích và tìm ra hướng xử lý một cách hữu hiệu.
Với kinh nghiệm của Nhật Bản trong triển khai IFRS theo các phương án ứng biến linh hoạt, hy vọng đơn vị tư vấn sẽ đưa ra những khuyến cáo có giá trị về phạm vi, đối tượng, lộ trình... phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn tới, đảm bảo hiệu quả và tính khả thi./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục