Triển vọng thị trường “vàng đen” sẽ trở nên tồi tệ?

05:30' - 30/08/2017
BNEWS Trong một bức thư thông báo đóng cửa quỹ đầu tư Astenbeck đầu tháng này, “ông hoàng dầu mỏ” Andy Hall nói triển vọng của thị trường dầu mỏ ngày càng trở nên tồi tệ, nhất là trong những tuần gần đây.
Giới chuyên gia nhận định về triển vọng của thị trường “vàng đen”. Ảnh: Reuters

Nhà kinh doanh có tiếng trong lĩnh vực năng lượng Andy Hall, được mệnh danh là “ông hoàng dầu mỏ” sau khi Citigroup Inc. tiết lộ rằng thu nhập của ông lên tới 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, mới đây ông đã tuyên bố sẽ đóng cửa quỹ đầu tư Astenbeck Master Commodities Fund II Ltd và trả lại tiền cho các nhà đầu tư trước ngày 31/8. 

Là một trong những nhà kinh doanh dầu mỏ nổi tiếng nhất trong ba thập kỷ qua và tuy đã rút gần hết vốn trên thị trường, những dự đoán của ông vẫn có ảnh hưởng rất lớn.

Sau vụ thua lỗ đầu năm nay do dự đoán sai về giá dầu, ông Hall cũng viết một bức thư và được Bloomberg công bố, trong đó ông cảnh báo nguồn cung dầu thô trong năm 2018 có thể sẽ dư thừa nhiều hơn dự đoán của ông trước đó.

Ông cũng cho biết về trung hạn, thị trường dầu mỏ sẽ "còn nhiều thách thức” và do giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) vừa quay lại mức trên 50 USD/thùng nên có thể các nhà khai thác dầu khí đá phiến sẽ tăng sản lượng trong năm 2018.

Cũng theo ông Hall, những nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không những không cải thiện tình hình mà còn khiến thị trường suy yếu hơn.

Cho đến nay, đại diện của Astenbeck chưa trả lời email và điện thoại của phóng viên sau khi thư thông báo trên được công bố. Theo một văn bản của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), công ty Southport - công ty con của Astenbeck ở Connecticut - nắm giữ 1,4 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, một nguồn tin nội bộ của Astenbeck cho hay quỹ đầu tư của công ty này đã sụt giảm gần 30% trong nửa đầu năm nay. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến ông Hall đưa ra những cảnh báo trên.

Cũng theo nhận định của ông Hall, hiện giờ thị trường dầu thô gần như không thể hoạt động dựa trên xu hướng cơ bản về cung - cầu, mà phần lớn phụ thuộc vào các hợp đồng tương lai trên hệ thống máy tính.

Với tình hình này, các nhà đầu tư “không thể tiếp tục mạo hiểm” như trước vì tác động của sự gia tăng sản lượng dầu khí đá phiến là không thể lường trước và giá dầu sẽ không thể ổn định trong một thời gian dài.

Có thể những người lạc quan về thị trường dầu trong tương lai cho rằng những tác động của dầu đá phiến chỉ là nhất thời và rằng các nhà sản xuất sẽ không thể tiếp tục duy trì mức giá thấp như hiện tại.

Nhưng những quan điểm khác lại cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ, các nhà sản xuất dầu đá phiến sẽ cắt giảm chi phí và tăng năng suất.

Mặt khác, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các dòng xe điện, công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm nhiên liệu, tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá nhiên liệu tăng, giới chuyên gia dự báo năm 2030 hoặc thậm chí năm 2024 có thể là năm cuối cùng nhu cầu dầu mỏ lên đến đỉnh điểm.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, sự tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi, dẫn đầu là Ấn Độ, có thể đẩy lùi thời hạn nhu cầu về dầu mỏ "đứng im" đến năm 2030. Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ trong thập kỷ tới vẫn giảm dần do nhu cầu của ngành vận tải ngày càng ít đi.

Goldman Sachs ước tính đến năm 2030, lượng xe ô tô điện trên toàn cầu sẽ tăng hơn 40 lần, lên 83 triệu xe từ mức 2 triệu xe trong năm 2016. Bloomberg New Energy Finance (BNEF) cũng dự báo đến năm 2040, xe chạy điện sẽ chiếm 30% tổng số ô tô toàn cầu, đạt 530 triệu chiếc, giúp giảm tiêu thụ khoảng 8 triệu thùng dầu/ngày. Con số này lớn hơn lượng xuất khẩu hiện tại của Saudi Arabia - hiện ở mức 7 triệu thùng/ngày.

Goldman Sachs dự báo mức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu hàng năm trong giai đoạn 2017-2022 là 1,2% và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 0,7% vào năm 2025 và 0,4% vào năm 2030. Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ tăng với tỷ lệ trung bình hàng năm 1,6% từ năm 2011 đến năm 2016.

Theo Goldman Sachs, ngành công nghiệp hóa dầu sẽ thế chân ngành vận tải trở thành nơi tiêu thụ dầu mỏ chính. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh của các nguồn nguyên liệu khác như khí tự nhiên, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của các nhà máy lọc dầu cũng sẽ giảm. Các nhà phân tích dự báo các chế phẩm dầu mỏ sẽ trở nên dư thừa trong 5 năm tới, do sức tiêu thụ giảm dần và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục