Trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển

12:12' - 03/03/2022
BNEWS Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Tại Hội nghị Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; cần được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.
* Công bằng cho mọi thành phần kinh tế
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược; trong đó, có đột phá về cải cách thể chế. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.
Với nỗ lực cải cách của các bộ, ngành và địa phương, trong thời gian qua, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và DN trong và ngoài nước. Cụ thể, năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế thế giới) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016…
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịchCOVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
“Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: đổi mới sáng tạo giảm từ thứ 42 xuống 44; phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc từ thứ 49 xuống 51; quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc từ thứ 78 xuống 84; cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc từ thứ 96 xuống 104”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành hằng năm Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới như thông lệ trước đây, thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
“ Đây là năm đầu nhiệm kỳ, do đó Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm”, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin và cho biết, Nghị quyết lựa chọn một số vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022 - 2025 đáng chú ý.
Theo đó, nội dung của Nghị quyết số 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…

 

*Thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19, một trong những vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp là bất cập, vướng mắc trong thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh. Theo đó, dự kiến từ ngày 1/4, Tp. Hồ Chí Minh thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển với mức phí khá cao.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ có ý kiến với HĐND và UBND Tp. Hồ Chí Minh xem xét chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31/12/2022. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra”, đại diện VASEP kiến nghị.
Đại diện VASEP cũng kiến nghị, Tp. Hồ Chí Minh công bố chính thức thời gian bắt đầu và kết thúc thu phí cảng biển. Đồng thời, cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi theo đúng quy định của Điều 8, Luật Phí và Lệ phí là thu để cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống theo hướng công bằng; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính.
Chia sẻ giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường” chính bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở (DDCI Quảng Ninh) thông qua phiếu điều tra. Từ đó, tạo được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính quyền và cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong tham gia ý kiến, đánh giá và tiếp thu, điều chỉnh nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành, ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tiễn của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các địa phương cần nhân rộng mô hình của Quảng Ninh. Cùng đó, cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Để thực sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trải qua một thời gian họ sẽ trở thành các doanh nghiệp lớn. Do vậy, ông Thân đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng sau đại dịch. “Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của đại dịch và họ đang rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh. Các nỗ lực tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh lúc này là thật đúng thời điểm”, ông Cung cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Từ đó, đóng góp ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn theo thông lệ quốc tế cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục