Trung Đông: Thách thức của Trung Quốc trong chiến lược “Vành đai và Con đường”

06:30' - 20/12/2017
BNEWS Những sự kiện phức tạp tại các nước Trung Đông đây không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định khu vực và toàn cầu mà còn gây ra những tác động tiêu cực tới bố cục “Vành đai Con đường” của Trung Quốc.
Cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại al-Qaim tỉnh Anbar, Syria, gần biên giới Syria ngày 3/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết của Phó Giáo sư Hà Vĩ Nghiệp thuộc Khoa xã hội học, Đại học Giáo dục Hong Kong, được đăng trên trang “Quan điểm” của tờ “Minh báo” Hong Kong, gần đây tình hình khu vực Trung Đông đã có nhiều biến động lớn.

Trước tiên, sự bành trướng của thế lực Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và thế lực Hồi giáo Shia sẽ tiếp tục ảnh hưởng lâu dài tới cả khu vực. Tranh chấp giữa hai nước trên thực tế không phải là mới xảy ra.

Nhưng năm 2016, sau khi đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran được xác nhận và tín đồ Hồi giáo Shia bị sát hại, mâu thuẫn dần công khai hóa. Phiến quân Houthis tại Yemen tiếp sau vụ dùng tên lửa tấn công thành phố Mecca, thánh địa Hồi giáo, ở miền Tây Saudi Arabia, đầu tháng 11/2017 vừa qua đã lại một lần nữa dùng tên lửa tấn công sân bay Thành phố Riyadh, Thủ đô của Saudi Arabia.

Cục diện đối đầu giữa các giáo phái tại Trung Đông khiến các nước nhỏ trong khu vực buộc phải lựa chọn một bên và bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, trở thành chiến trường của cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Iran.

Những năm gần đây khi truyền thông và tổ chức cứu trợ phương Tây đưa tin và quan tâm đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria, nhu cầu thiết yếu nhất tại Syria vẫn là có được sự cung cấp cơ bản về lương thực, nước uống và thuộc men chữa bệnh.

Đưa ra so sánh, sau khi Yemen bị “Liên quân 10 nước” đứng đầu là Saudi Arabia tấn công, truyền thông và các tổ chức cứu trợ quốc tế không thể đưa tin và tiến hành viện trợ nhân đạo đối nhân dân Yemen.

Quan chức và nhân viên tuyến đầu của Liên hợp quốc (LHQ) đã sớm chỉ rõ rằng trên toàn cầu không có một nước nào giống như Yemen rơi vào tình trạng nạn đói tiếp cận cấp độ số 5, cấp độ cao nhất.

Tình hình tại Yemen vô cùng nguy kịch. Saudi Arabia tuyên bố phong tỏa vùng biển, đất liền và không phận Yemen đã vài tuần nay, đến gần đây LHQ mới thành công trong việc khuyên giải Saudi Arabia chấm dứt phong tỏa Yemen, đồng thời chở chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Yemen.

Ngoài phân hóa giáo phái và xung đột khu vực, tình hình Trung Đông trên thực tế còn “sản sinh” ra liên minh và thỏa hiệp khu vực mới. Israel luôn được coi là quốc gia nằm trong công việc của Liên minh Arập, cuối cùng đã tham gia vào các cuộc tấn công căn cứ quân sự của Iran nằm trên lãnh thổ Syria là một ví dụ điển hình.

Mới đây, Ngoại trưởng Saudi Arabia công khai thừa nhận biết rõ rằng Israel có thể là đối tác hợp tác khi mà Israel luôn phản đối đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran. Có tin Saudi Arabia bắt đầu tiến hành tiếp xúc phi công khai với Israel, đồng thời triển khai phối hợp thông tin tình báo đối phó với kẻ thù chung là Iran.

Vậy đứng trước thực tế tại khu vực Trung Đông, chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy như thế nào tại khu vực đầy biến động này? Gần đây, giữa lúc Saudi Arabia về mặt đối ngoại đang căng thẳng quan hệ với Iran và Lebanon, còn về đối nội tiến hành chống tham nhũng, triển khai bắt giam nhiều quan chức cấp bộ trưởng và thành viên Hoàng gia.

Hồi tháng 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Nhà Vua Saudi Arabia là Salman bin Abdulaziz Al Saud, nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc trong việc khơi sâu quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước là không thay đổi.

Trung Quốc ủng hộ Saudi Arabia bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Nhà Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud cam kết Saudi Arabia trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược BRI của Trung Quốc về lĩnh vực năng lượng và tài chính.

Mặc dù Chính phủ và nhà đầu tư Trung Quốc hoàn toàn có thể đứng từ lập trường phi chính trị “không can thiệp nội bộ nước khác” nhằm đặt chân đến các nước Trung Đông để tiến hành trao đổi thương mại, nhưng đối đầu giữa các giáo phái tại Trung Đông, chiến trường đại lý, mối đe dọa liên tiếp từ các nước Hồi giao, đã khiến tình hình thay đổi.  

Đối mặt với khu vực thị phi với các giáo phái mỗi kẻ một bên, Chính phủ và nhà đầu tư Trung Quốc liệu có tiếp tục với lập trường trung lập, đi lại trên tuyến lửa giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shia? Điều này chính là thách thức đối với Trung Quốc trong việc định vị chiến lược BRI tại khu vực Trung Đông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục