Trung Quốc có còn là thị trường nhập khẩu “dễ tính”?

17:12' - 30/03/2018
BNEWS Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) vừa có thông báo về những thay đổi của thị trường Trung Quốc trong chính sách nhập hàng nông sản của Việt Nam.
Thương lái thu mua dưa hấu xuất khẩu. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Đảm bảo yêu cầu chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đang là những yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra đối với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp và các địa phương cần có cái nhìn đúng đắn hơn về thị trường này nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt trong thời gian tới.


* Yêu cầu truy xuất từ gốc
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) vừa có thông báo về những thay đổi của thị trường Trung Quốc trong chính sách nhập hàng nông sản của Việt Nam. Cụ thể, kể từ ngày 1/4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”.
Thông tin trong đó phải bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Như vậy, sau mặt hàng gạo, thịt lợn, thủy sản… thì trái cây sẽ là một trong những mặt hàng bị siết chặt kiểm tra truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Group cho rằng, quy định mới này của Trung Quốc có thể sẽ khó khăn cho các đơn vị xuất khẩu trái cây nhỏ lẻ. Nhiều cơ sở thường có thói quen mua hàng dễ dãi, không nguồn gốc xuất xứ và thông qua các thương lái rồi đóng hàng xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Những doanh nghiệp có liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với nông dân và đang xuất khẩu sang thị trường có yêu cầu truy xuất nguồn gốc như Mỹ, Nhật… thì ít gặp khó khăn.
Theo ông Tùng, việc phải truy xuất nguồn gốc, dán nhãn sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, đẩy giá hàng xuất khẩu tăng theo. Khi đó, trái cây Việt sẽ khó cạnh tranh với trái cây Thái Lan, Myanmar… vốn đang được xuất khẩu mạnh sang thị trường này.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng, Trung Quốc hiện không còn được xem là thị trường nhập khẩu “dễ tính” như trước đây. Riêng trong ngành lúa gạo hiện chỉ còn 19 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này. Để nằm trong danh sách này, các doanh nghiệp đã phải qua đợt kiểm tra gắt gao của Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Theo ông Đôn, các tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra đều dựa vào tiêu chuẩn của châu Âu và họ đặt nặng vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đối với mặt hàng nhập khẩu. Quy định này không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp gạo Thái Lan muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cũng phải trải qua các đợt kiểm tra của AQSIQ.
Đối với mặt hàng thủy hải sản, để xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc doanh nghiệp cũng phải đáp ứng một số điều kiện như: doanh nghiệp nằm trong danh mục những nhà sản xuất thuỷ sản được cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận; được cấp giấy chứng nhận chất lượng; sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm thuỷ sản được nước này công nhận…
* Định vị lại thị trường
Theo các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới hiện nay, nhất là tầng lớp trung lưu, nhà giàu ngày càng tăng. Những bê bối về thực phẩm bẩn khiến nước này đang đẩy mạnh các chính sách kiểm soát chất lượng lên các sản phẩm nhập khẩu. Với vị trí thuận lợi và tiềm năng sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản sang thị trường này nếu nắm bắt xu hướng thị trường và tiêu dùng.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, Trung Quốc luôn có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản và đây lại là lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần định vị lại thị trường, theo hướng chất lượng, an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Nếu vẫn còn tư duy theo kiểu đây là thị trường “dễ tính” thì nông sản Việt khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và những cuộc khủng hoảng dư thừa là khó tránh khỏi.

Một địa điểm bán dưa hấu tại thành phố Nha Trang. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cũng cho rằng, để xuất khẩu ổn định sang thị trường này, chỉ cần doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có khách hàng ổn định. Điều này cũng giúp doanh nghiệp hạn chế tình trạng bị ép giá khi xuất khẩu.
Tiến sĩ Yang Yong, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Công nghệ sinh học Nutriera Quảng Châu (Trung Quốc) nhận định, người tiêu dùng Trung Quốc hiện quan tâm nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, mức độ an toàn cũng như sự tiện lợi của sản phẩm. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn từ 20-30% để mua những sản phẩm nhập khẩu đảm bảo có những yếu tố trên.
“Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đẩy mạnh vào khâu chế biến sản phẩm theo hướng tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng sản phẩm”, vị chuyên gia trong ngành thủy sản đề xuất.
Rõ ràng, việc thay đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc ít nhiều sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn sản phẩm là xu thế tất yếu của các thị trường chứ không chỉ riêng Trung Quốc và cũng là yêu cầu của chính người tiêu dùng trong nước.
Do vậy, ngành nông nghiệp cần tập trung hơn nữa trong việc sản xuất theo chuỗi, có chiến lược xây dựng tốt hình ảnh, thương hiệu sản phẩm thì việc xuất khẩu sẽ mang tính bền vững hơn trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục