Tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị

12:20' - 26/09/2018
BNEWS Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo Nhân dân Thủ đô và giới truyền thông.
Tọa đàm về “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị ở Hà Nội" diễn ra sáng 26/9 thu hút được đông đảo đại biểu và chuyên gia tham dự. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nằm trong chương trình trong khuôn khổ của dự án “Hỗ trợ truyền thông cho đường sắt đô thị Hà Nội” do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ, sáng 26/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với ADB tổ chức buổi tọa đàm về “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị ở Hà Nội”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, đã từ lâu, đường sắt đô thị được xem như xương sống của hệ thống giao thông vận tải tại các đô thị lớn, hiện đại trên thế giới. Tại Hà Nội, nhu cầu phát triển mạng lưới đường sắt đô thị lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thành phố luôn phải đối diện với vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

“Đường sắt đô thị là loại hình vận tải khối lượng lớn văn minh, hiện đại và ưu việt. Nhưng tại nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn rất mới mẻ, lạ lẫm đối với đa số người dân. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng là phải truyền thông một cách hiệu quả để người dân hiểu và có cái nhìn toàn diện, tích cực về đường sắt đô thị, vai trò của nó trong sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội”, ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.

Ông Phạm Thanh Học, Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ, sau nhiều năm chờ đợi, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước là tuyến Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu được đưa vào vận hành thử nghiệm. Dự kiến sẽ chính thức khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Là tuyến tàu điện đầu tiên xuất hiện, đánh dấu sự ra đời của loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn với nhiều đặc tính ưu việt, nổi trội, nên đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ đông đảo Nhân dân Thủ đô và giới truyền thông.

Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít những vấn đề liên quan đến vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên mà người dân muốn tìm hiểu. Đặc biệt là những vấn đề như quá trình vận hành, kết nối đồng bộ giữa đường sắt trên cao với hệ thống giao thông công cộng khác và chiến lược thu hút người dân. 

Từ ngày 20/9 vừa qua, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức chay thử nghiệm 5 đoàn tàu trên tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Liên quan đến vận hành dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay, hiện bộ máy nhân lực vận hành Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được kiện toàn, với 80% nhân lực đã qua đào tạo tại Tokyo Metro, Bắc Kinh Metro… thời gian đào tạo từ 1 – 1,5 tháng. Tới đây, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ triển khai việc thực hành tại hiện trường, vận hành thử, sát hạch, những người đủ tiêu chuẩn mới được vận hành chính thức.

Còn về kế hoạch liên quan tới việc giải quyết lượng hành khách xuống tại các tuyến đường sắt đô thị, ông Vũ Hồng Trường cho biết, theo dự tính ban đầu, mỗi ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông dự kiến vận hành được 144 chuyến. Mỗi chuyến vận chuyển khoảng 960 hành khách và trong giờ cao điểm vận chuyển trên 1.000 hành khách. Đối với việc giải tỏa lượng hành khách xuống tại các nhà ga, công ty đã có kế hoạch bố trí các trạm xe buýt và các phương tiện khác, ở các nhà ga dọc đường.

Một trong những nội dung được quan tâm là giá vé, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, sẽ có 3 phương án liên quan tới giá vé của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, công ty đang hướng tới chọn phương án 2, với bình quân hành khách đi khoảng 5 – 6 km giá vé sẽ cao hơn vé xe buýt khoảng 3%, còn đi toàn tuyến sẽ cao hơn hẳn.

Đồng quan điểm với ông Vũ Hồng Trường, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho rằng, để hoàn thiện công tác vận hành, cần có bảng nghiên cứu tài liệu để người dân có cơ hội tiếp cận thông tin liên quan tới các tuyến đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, đối với việc giải quyết lượng hành khách xuống tại các ga đường sắt, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng cần chuẩn bị những phương án bổ sung để giải quyết tình trạng quá tải, các cơ quan thành phố phải tập trung, tạo điều kiện tối đa cho hành khách tham gia các tuyến đường sắt đô thị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục