Tỷ lệ sử dụng thuốc Việt Nam tăng ở tất cả các tuyến

18:41' - 18/07/2019
BNEWS Ngày 18/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/07/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, 10 năm qua ngành Y tế đã đồng hành cùng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các cấp bộ, ngành ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các sở Y tế, các doanh nghiệp dược, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan thông tin truyền thông cùng chung tay hành động, góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam.

Nhờ đó, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

“Nhằm đạt mục tiêu đặt ra trong Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện, Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản gồm nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, với cơ sở y tế và thầy thuốc, với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc và các giải pháp về truyền thông”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản, trong đó có đưa các nội dung, quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, ưu tiên đầu tư, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của các nước phát triển, ưu tiên trong hoạt động cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc ít số đăng ký, dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam, thuốc có báo cáo tương đương sinh học, đặc biệt là ưu tiên trong đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật.

Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Nhiều địa phương, bệnh viện đạt kết quả ấn tượng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước và đạt mục tiêu của Đề án.

Năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Điển hình là tại tỉnh Phú Yên, giá trị sử dụng thuốc trong nước trong hệ thống khám chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018), các tỉnh Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như Bệnh viện trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện tâm thần trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Phong da liễu trung ương Quy Hòa…, đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng trong năm 2018.

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước chú trọng áp dụng kỹ thuật - công nghệ cao sản xuất dược phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao, được chứng minh tương đương sinh học với các biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị.

Đồng thời, liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S.

Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới; có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Cùng với đó, ngành Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế và người dân thông qua nhiều hoạt động đa dạng với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, giới thiệu những chủ trương chính sách, giới thiệu các sản phẩm thuốc, nhà máy, dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tăng sự hiểu biết cho người dân, cán bộ y tế về thuốc Việt, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, thuốc sản xuất tại Việt Nam, bảo đảm hiệu quả điều trị, bảo đảm chất lượng và giá thành rẻ hơn thuốc ngoại nhập.

Từ năm 2014, Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, đã lựa chọn 30 doanh nghiệp, 62 sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam đạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” lần 1 để vinh danh, giới thiệu trên các kênh truyền thông chính.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” trong thời gian tới, dịp này Bộ Y tế phát động chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” lần 2 nhằm lựa chọn ra các sản phẩm thuốc có chất lượng, hiệu quả, giá cả hợp lý để thông tin truyền thông rộng rãi đến người dân, cán bộ y tế nhằm giúp người dân tiếp cận được với các thuốc tốt, đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ y tế trong việc kê đơn, sử dụng thuốc trong nước.

Cùng với đó, lựa chọn các doanh nghiệp dược sản xuất trong nước uy tín, đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại sản xuất nhiều thuốc tốt, chất lượng để biểu dương, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến tạo ra nhiều sản phẩm thuốc có chất lượng cao, hiệu quả; đưa các chính sách và chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nhằm nâng cao nhận thức của người Việt Nam đối với hàng hóa trong nước nói chung và thị trường dược phẩm nói riêng, từ đó thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ từ sự ủng hộ và niềm tin của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục