Ứng dụng công nghệ để giảm tổn thất điện

14:42' - 31/08/2018
BNEWS Ứng dụng công nghệ không những giúp doanh nghiệp nhận biết được tổn thất, đo đếm chính xác chỉ số mà còn giúp đưa ra giải pháp tốt nhất để xử lý
Công nhân điện lực Vĩnh Phúc kiểm tra điện. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ứng dụng khoa học để giảm tổn thất điện năng luôn được xem là giải pháp hữu hiệu nhất mà các Công ty Điện lực đang nỗ lực thực hiện. Ứng dụng công nghệ không những giúp doanh nghiệp nhận biết được tổn thất, đo đếm chính xác chỉ số mà còn giúp đưa ra giải pháp tốt nhất để xử lý.
Là 1 trong 5 công ty thực hiện tốt nhất chỉ tiêu về giảm tổn thất điện năng trong toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã giảm tổn thất điện năng từ 5,53% vào năm 2013 xuống còn 3,4% vào tháng 7/2018 và năm sau luôn thấp hơn năm trước.
Theo ông Phan Thanh An, Phó Giám đốc PC Vĩnh Phúc, tổn thất điện năng tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua là do tăng trưởng phụ tải điện ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Công suất cao nhất PC Vĩnh Phúc đạt 568 MW (22h ngày 5/7/2018) tăng 28% so với năm 2017 (443,1MW). Sản lượng ngày cao nhất đạt hơn 11 triệu kWh (ngày 5/7/2018) tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017 (hơn 8,7 triệu kWh).
Tốc độ tăng trưởng phụ tải cao trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn còn hạn chế, tiến độ triển khai các dự án lưới điện 110kV chậm so với Quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt dẫn đến lưới điện chưa đáp ứng kịp nhu cầu phụ tải, gây ra tình trạng quá tải cục bộ đường dây.
Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ, PC Vĩnh Phúc đã nằm trong top công ty có mức tổn thất điện thấp. Ông Phan Thanh An cho hay, công ty đã áp dụng phần mềm tính toán tổn thất lưới điện trung hạ thế làm cơ sở so sánh và nhận dạng tổn thất điện năng (tổn thất thương mại hay tổn thất kỹ thuật) ở từng khu vực, để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. Đồng thời, giao chỉ tiêu thực hiện giảm tổn thất điện năng tới các đơn vị Điện lực trực thuộc một cách khách quan.
Đến nay, Trung tâm điều khiển xa của Công ty đang điều khiển 4/7 TBA 110 kV không người trực. Cuối năm nay, công ty sẽ hoàn thành điều khiển xa đối với 3 trạm còn lại. Bên cạnh đó là hệ thống Mini SCADA điều khiển từ xa 86/86 nút trên lưới điện trung áp.
Việc tự động hóa lưới điện cũng cho phép người vận hành nắm bắt, nhận diện, phán đoán các sự cố trên lưới. Từ đó, có giải pháp xử lý kịp thời, góp phần giảm thời gian mất điện của khách hàng, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đồng thời góp phần giảm tổn thất điện năng.
“Công ty khai thác hiệu quả hệ thống đo xa tại các điểm đo đếm ranh giới, các điểm đo đếm tại các trạm biến áp chuyên dùng của khách hàng, để kịp thời phát hiện những sự cố liên quan đến hệ thống đo đếm điện năng, giúp kiểm soát được tình trạng mang tải, vận hành lệch pha của các trạm biến áp phục vụ công tác quản lý kỹ thuật vận hành, giảm tổn thất điện năng...”, ông An nói.
Báo cáo của PC Vĩnh Phúc cho hay, tính đến tháng 7/2018, đơn vị đã lắp đặt 100% công tơ điện tử đo xa 3 pha, 3 giá tại các điểm đo đếm ranh giới, TBA chuyên dùng. Với mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ đưa tỷ lệ tổn thất điện năng giảm xuống còn 3,2%, PC Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ theo lộ trình để hoàn thành nhiệm vụ được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao cho.
Điện lực Tuyên Quang kiểm tra đường dây. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Cũng nằm trong nhóm công ty có mức giảm tổn thất điện năng tốt so với kế hoạch được giao, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã tiến hành nâng cấp hệ thống lưới điện. Nhờ đó, tổn thất điện tháng 7/2018 của công ty này cũng đã giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, tổn thất lưới điện trung thế là 3,59%, giảm 3,39% so với cùng kỳ.
Điện năng tổn thất lưới điện trung thế 3.172.775 kWh, giảm 1.058.559 kWh so với cùng kỳ. Tổn thất lưới điện hạ thế là 6,29%, giảm 0,34% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điện năng tổn thất lưới điện hạ thế là 2.829.874kWh, tăng 364.408 kWh so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Phú Phương, Phó giám đốc PC Tuyên Quang cho hay, các tuyến đường dây trung thế và hạ thế có chiều dài trung bình lớn, một số đường dây đầy và quá tải nên tổn thất cao. Bán kính cấp điện lưới điện trung áp 35 kV còn dài bình quân trên 35 km do số lượng TBA 110kV trên địa bàn còn quá ít (hiện có 05 TBA 110kV)...
Đặc biệt, còn tồn tại lưới điện trung áp 10kV, khu vực thành phố Tuyên Quang là khu vực có sản lượng lớn (chiếm 40% sản lượng toàn PC) đến nay chưa được đầu tư cải tạo nâng cấp lên 22kV từ đó dẫn đến việc giảm tổn thất lưới điện trung áp gặp rất nhiều khó khăn.
Để giảm tổn thất, lãnh đạo PC Tuyên Quang cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa tiến độ xây dựng trạm 110kV để cải thiện tình trạng điện áp thấp và giảm tổn thất; Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải tạo lưới 10kV lên 22kV khu vực Thành phố Tuyên Quang, Hàm Yên giai đoạn 2018-2020...
Theo đánh giá của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc là 2 địa phương có mức giảm tổn thất thấp hơn so với kế hoạch giao. Điều này góp phần giảm tổn thất toàn Tổng công ty thực hiện tháng 7 đạt 4,33%, giảm 3,79% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 5,85%, giảm 0,86% so với cùng kỳ 2017.
Song để đạt được mục tiêu giảm tổn thất điện năng năm 2018 của Tổng công ty về mức 5,5%, các đơn vị cần chủ động kiểm tra phát hiện các khiếm khuyết lưới điện để xử lý kịp thời, tăng cường công tác dự báo để có phương án hạn chế quá tải. Đồng thời, các đơn vị hoàn thành kế hoạch thay công tơ định kỳ, đưa công nghệ khoa học, kiểm soát hệ thống đo đếm và số liệu thực hiện các đơn vị.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục