Ủy ban quản lý vốn Nhà nước khác SCIC như thế nào?

21:29' - 02/02/2018
BNEWS Mô hình Uỷ ban là quản lý tổng thể các tài sản, là định chế bao trùm trong khi mô hình hoạt động của SCIC là nơi quản lý vốn thông thường.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 1. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thông báo nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2018 tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cùng ngày 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với kết quả của năm 2017, cả nước bước vào năm 2018 với sự tự tin.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành không được chủ quan, lơ là với kết quả của tháng 1 và cần cảnh giác trước tình hình kinh tế thế giới, khu vực, biến đổi khí hậu...
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tháng đầu tiên của năm mới 2018, Việt Nam đạt được nhiều chỉ tiêu ấn tượng. Đó là chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP.
Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao; trong đó có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ có gần 9.000 doanh nghiệp) và có thêm trên 4.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng lưu ý, giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục và y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay.
“Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan; phải quản lý tốt giá cả tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, ngay tại phiên họp, Thủ tướng đã ký Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm, giảm tới 90% sản phẩm hàng hoá phải công bố theo hướng phân cấp cho địa phương, doanh nghiệp tự công bố; xử lý việc quản lý chồng chéo giữa các bộ.
Theo đó, thay vì một sản phẩm trước đây 3 hay 4 bộ quản lý thì nay sẽ không còn sự chồng chéo giữa các bộ, các đơn vị trong bộ. Một sản phẩm không còn phải chịu sự kiểm tra quá nhiều giữa các bộ.
“Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nghị định 15 ra đời sẽ cắt giảm được 2,8 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỷ đồng.”, Bộ trưởng nói và cho biết Nghị định này có hiệu lực từ ngày 2/2.
Tại cuộc họp báo, đại diện các bộ ngành đã giải đáp các thắc mắc của báo giới.
Phân biệt sự khác nhau giữa mô hình hoạt động của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước và mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, mô hình Uỷ ban là quản lý tổng thể các tài sản, khoảng 5 triệu tỷ đồng, là định chế bao trùm và sẽ có văn bản quy phạm pháp luật để hiện thực hoá hoạt động của cơ quan này. Trong khi mô hình hoạt động của SCIC là nơi quản lý vốn thông thường.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết thêm, Thủ tướng đã có Quyết định 66 ngày 15/1 về Tổ công tác thành lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng. Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị quyết thành lập Uỷ ban, các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua Nghị quyết này; dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết chức năng của Uỷ ban vào quý II/2018.
Liên quan tới đánh giá về khu vực kinh tế phi chính thức để bổ sung vào cách tính GDP, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho hay, thực tế đây chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát như: Kinh tế ngầm, kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu một cách có chủ ý nhằm tránh nộp thuế, kinh tế tự sản tự tiêu hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan dự thảo đề án thành phần kinh tế chưa được quan sát và sẽ trình Chính phủ đề án này ngay trong tháng 2 này.
Trả lời về gần đây một số ý kiến lo ngại chất lượng xăng E5 sau khi bán đại trà, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ông hoàn toàn chia sẻ với sự lo ngại của người dân nhưng xăng E5 đã được sử dụng ở các nước phát triển từ rất lâu.
Còn ở Việt Nam theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1/1/2018 đã bán đại trà xăng E5 trên toàn quốc, trước đó đã thực hiện thí điểm ở 7 tỉnh rồi tăng dần lên và hiện nay là trên toàn quốc.
“Việc người dân còn e ngại là tất nhiên và chúng ta cần phải làm tốt hơn để giải tỏa nghi ngại, lo lắng của người dân”. Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trước hết là tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, nhiều cơ quan khác hiểu được xăng E5 phù hợp với các phương tiện giao thông đang sử dụng.
Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường bảo đảm chất lượng xăng E5 đúng tiêu chuẩn, không có gian lận thương mại, không bảo đảm chất lượng.
Hiện nay, Bộ Công Thương tổ chức rất nhiều tọa đàm, hội thảo, hội nghị mời các nhà khoa học, chuyên gia phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để chuyển tải tới người dân, các doanh nghiệp… về chất lượng xăng E5.
Thực tế, đã qua hơn 1 tháng số lượng dùng xăng E5 tăng rất nhanh, nhiều nơi tăng gấp 3 lần, có nơi tỷ lệ người dân mua đến 80%, còn phần lớn là từ 60-65%.
“Chúng tôi tin tưởng với chất lượng được bảo đảm, người dân nắm được đầy đủ thông tin, quen dần với loại xăng này thì việc sử dụng sẽ đúng theo lộ trình Chính phủ đề ra”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói./.

>>> Bộ Xây dựng đi đầu trong rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục