Vai trò của đặc khu kinh tế trong chính sách “Make in India” của Ấn Độ (Phần 2)

06:30' - 14/06/2018
BNEWS Chính phủ Ấn Độ đang bàn thảo cơ chế để “tân trang” các đặc khu kinh tế sao cho phù hợp với bối cảnh đồng thời thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như đầu tư vào ngành chế tạo nội địa.
Công nhân làm việc tại nhà máy ở Naroda, gần Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà phân tích Amitendu Palit chỉ ra rằng, ngoài 18 đặc khu kinh tế (ĐKKT) do chính quyền trung ương và chính phủ triển khai trước khi có bộ luật năm 2005, hơn 200 ĐKKT khác đã ra đời sau đó. Những ĐKKT thế hệ mới này được thành lập không phải vì mục tiêu xuất khẩu mà để tránh thuế.
Ưu đãi về thuế suất và những lợi ích đi kèm đã thúc đẩy cơn sốt ĐKKT nhất là trong giai đoạn Ấn Độ đang trong quá trình cải cách hệ thống thuế và các chương trình miễn giảm thuế đang ngày càng thu hẹp.
Thực tế là tại Ấn Độ có một số lượng lớn ĐKKT về công nghệ thông tin mọc lên, mà rất nhiều trong số đó di dời từ các Công viên công nghệ để tiếp tục được miễn thuế. Để hạn chế tình trạng này, các nhà làm luật và quản lý kinh tế nhà nước khi siết chặt những quy định xung quanh ĐKKT thì vô hình trung làm giảm sức hấp dẫn của các khu vực kinh tế tự do này đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chuyên gia Amitendu Palit nhận định hầu hết ĐKKT ở Ấn Độ chưa đạt hiệu suất tiềm năng do thiếu mối liên hệ chặt chẽ với phần còn lại của nền kinh tế.
Sự kết nối yếu kém của các khu kinh tế ven biển với vùng sâu trong nội địa đã ngăn cản các khu vực này phát huy hết khả năng của chúng. Hệ thống kết nối đa phương thức mạnh mẽ là rất cần thiết để giảm chi phí hậu cần cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.
Mới đây, Hiệp hội di động Ấn Độ (ICA) đưa tin Ấn Độ đã thay thế Việt Nam để trở thành nước sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2 thế giới trong năm 2017, chiếm 11% sản lượng thiết bị di động toàn cầu. Đây được coi là khởi đầu trong sự phát triển của Ấn Độ như một công xưởng chế tạo của toàn thế giới.

Tuy nhiên, tham vọng này có thành hiện thực hay không dựa vào những chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy ngành sản xuất trong nước thông qua sáng kiến “Make in India”, củng cố vai trò của Ấn Độ như một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ấn Độ có lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh, dân số trẻ, chi phí lao động thấp, môi trường chính sách ưu đãi, cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, nhiều kỹ sư, lao động có trình độ học vấn cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và một thị trường nội địa lớn với 1,2 tỷ người tiêu dùng.
Chính phủ nước này đang bàn thảo cơ chế để “tân trang” các ĐKKT sao cho phù hợp với bối cảnh đồng thời thúc đẩy sản xuất trong nước cũng như đầu tư vào ngành chế tạo nội địa, trong đó có kế hoạch miễn thuế tối thiểu thay thế (MAT) cho các nhà máy nằm trong ĐKKT – vốn được coi là rào cản lớn đối với sự phát triển của các khu vực kinh tế này.
Luật về ĐKKT năm 2005 miễn trừ MAT cho các ĐKKT và các cơ sở kinh doanh nằm trong phạm vi của chúng mà không có điều khoản về thời hạn chấm dứt ưu đãi này. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu áp dụng MAT đối với ĐKKT và các đơn vị cơ sở thuộc ĐKKT với mức thuế 18,5% kể từ năm 2012.
Giới chuyên gia đánh giá cao động thái trên, đồng thời cho rằng các cải cách nên tập trung vào việc tạo thuận lợi cho xuất-nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh doanh trong ĐKKT dễ dàng hơn, khuyến khích xuất khẩu bằng cách đơn giản hóa các thủ tục và loại bỏ những hạn chế đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục