Vẫn còn doanh nghiệp chưa thật quan tâm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

21:54' - 29/04/2022
BNEWS Giải pháp nào để chủ động hơn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thế nào?

Các doanh nghiệp và người lao động hầu hết đều biết ít nhiều đến an toàn, vệ sinh lao động, nhưng để có cái nhìn tổng quan, hiểu rõ, nắm chắc quy trình thì con số này còn khiêm tốn. Điều này, khiến tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp vẫn xảy ra, nhất là lao động ở khu vực phi chính thức, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có quy mô nhỏ.

Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tại tọa đàm “Các giải pháp đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp” do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động tổ chức ngày 29/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu nhìn nhận vẫn còn doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm hoặc công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động có làm nhưng chỉ ở hình thức “đối phó”, “làm cho có”. Một số người lao động chưa chú tâm, ỷ lại hay sai sót cũng làm ảnh hưởng đến quy trình lao động, gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, một nguyên nhân khác là do lực lượng an toàn, vệ sinh viên chưa kiên quyết đấu tranh với những vi phạm do ngại va chạm hay bỏ qua do tình cảm đồng nghiệp. Một số an toàn, vệ sinh viên cũng là công nhân trực tiếp sản xuất, kiêm nhiệm nhiều việc, hạn chế về khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục…

Từ thực tiễn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên của doanh nghiệp, ông Hùng đã đưa vào nội quy lao động của doanh nghiệp cấm cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của an toàn, vệ sinh viên; định kỳ tổ chức cho mạng lưới này sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động, đề xuất các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, nhận diện các nguy cơ, sự cố, phòng ngừa tai nạn lao động.

“Người sử dụng lao động cũng cần dành nhiều thời gian để có trách nhiệm phối hợp với Công đoàn xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; đồng thời cần lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của an toàn, vệ sinh viên để có giải pháp khắc phục, xử lý các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc…”, ông Hùng chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Thống Nhất cho rằng, việc lãnh đạo doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn và xác định an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất - kinh doanh để đề ra định hướng, giải pháp hữu hiệu sẽ góp phần hạn chế tai nạn lao động.

“Một trong những trọng tâm doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn luôn quan tâm là tập trung vào các khu vực gây mất an toàn lớn; nâng cao công tác đào tạo, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động. Bộ phận y tế chủ động tập huấn thường xuyên, phân loại khu vực, đo môi trường đầy đủ, đúng quy định; nâng cao vai trò của an toàn, vệ sinh từng bộ phận; thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, biển báo, hình ảnh hướng dẫn và tổ chức an toàn, vệ sinh lao động cho phù hợp…”, bà Phương Anh chia sẻ.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu nêu rõ thực trạng và giải pháp về công tác an toàn, vệ sinh lao động ngay tại đơn vị mình; vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị. Nhiều đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên tại doanh nghiệp; giải pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho người lao động.

Ở góc độ là chuyên gia, ông Trịnh Hồng Lân, Phân viện trưởng Phân viện khoa học an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường miền Nam đã chia sẻ, định hướng các kỹ năng hoạt động về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ Công đoàn; an toàn, vệ sinh viên. Những quy định pháp luật lao động về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động Công đoàn; phong trào xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tiến tới xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Từ thực tiễn và để khắc phục những hạn chế của công tác an toàn, vệ sinh lao động hiện nay, ông Trịnh Hồng Lân cho rằng, ngành Y tế cần chấn chỉnh hoạt động quan trắc môi trường ở doanh nghiệp đảm bảo chính xác, đủ căn cứ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp nên hỗ trợ toàn bộ chi phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các ngành chức năng cần tăng cường đầu tư và phát triển cơ sở khám và điều trị bệnh nghề nghiệp; có chính sách phù hợp giúp người lao động đảm bảo đời sống và thu nhập không may bị bệnh nghề nghiệp; cần quan tâm đúng mức công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp…

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, bởi không chỉ bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động, mà còn góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Do vậy, ngoài việc doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản, ý thức phòng ngừa tai nạn lao động, nhất là ở những khu vực tiềm ẩn nguy hại, nguy hiểm thì cũng thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động; xây dựng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu về an toàn, vệ sinh lao động, từ đó góp phần tạo môi trường làm việc thân thiện, an toàn, cải thiện chất lượng và hạn chế tai nạn lao động….

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 544 vụ tai nạn lao động, giảm 462 vụ so với năm 2020 (giảm 45,92%), trong đó có 542 vụ tai nạn lao động xảy ra tại các cơ sở, doanh nghiệp có trụ sở hoạt động trên địa bàn Thành phố, 2 vụ tai nạn lao động xảy ra tại các doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại các tỉnh khác, nhưng tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục