Vấn đề Brexit: Con đường chông gai phía trước của Chính phủ Anh (Phần 1)

05:30' - 03/07/2018
BNEWS Brexit là vấn đề hết sức gai góc mà Thủ tướng Theresa May buộc phải đối mặt.

No Title

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh EU và Tây Balkans ở Sofia (Bulgaria). Ảnh: AFP/ TTXVN

Cựu Thủ tướng David Cameron từ chức do bị chỉ trích về sự thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit mà bà Theresa May cũng phải lao tâm tổn sức để thực hiện cam kết sau khi nước Anh rời khỏi EU.

Từ khi Chính phủ Anh thông qua trưng cầu ý dân quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào mùa Hè năm 2016 đến nay, sự kiện này đã gây nhiều xôn xao trên trường quốc tế, cũng như nhiều tranh cãi trong EU, và trở thành sự kiện chính trị gây chấn động nhất của châu Âu trong những năm gần đây. 

Mặc dù Brexit chỉ phản ánh nguyện vọng của khoảng một nửa số cử tri Anh, nhưng nó đã “bắt cóc” ý kiến của một nửa số cử tri Anh phản đối Brexit theo hình thức dân chủ đa số đơn giản.

Brexit chỉ là một quyết định, còn làm thế nào rời bỏ EU, đạt được hiệu quả và mục đích ra sao thì còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán Brexit. Xét theo ý nghĩa này, rút khỏi châu Âu khó khăn hơn nhiều so với việc thoát khỏi châu Âu. 

Nước Anh có khả năng đạt được mục đích ban đầu hay không và có thể tối đa hóa lợi ích quốc gia trên mức độ ra sao là những vấn đề gai góc mà bà May phải đối mặt. Kể từ khi chính quyền Theresa May chính thức khởi động cánh cửa đàm phán rời khỏi EU vào tháng 3/2017, tiến trình Brexit đã không còn đường về.

Giai đoạn đầu của cuộc đàm phán kéo dài trong vòng 1 năm, 3 câu hỏi lớn cơ bản đã có lời giải: Chính phủ Anh nhất trí trả EU “phí chia tay” 100 tỷ euro, quyền lợi của công dân EU sinh sống ở Anh, đảm bảo biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland “sẽ không bị kiểm soát”.

Đổi lại, EU đồng ý kết thúc giai đoạn đàm phán đầu tiên vào tháng 2/2018, trao cho Anh thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 21 tháng (từ cuối tháng 3/2019-12/2020).

Nếu giai đoạn đầu chủ yếu là các câu hỏi mang tính nguyên tắc, thì giai đoạn hai của cuộc đàm phán chủ yếu liên quan tới các vấn đề thực chất hơn như khuôn khổ của thỏa thuận thương mại tự do Anh-EU và liên minh hải quan.

Sức ép cứng rắn từ bên ngoài
Theo bài viết trên tạp chí Tri thức thế giới (Trung Quốc), sở dĩ sự kiện Brexit gây nên cơn địa chấn chính trị ở châu Âu là vì nhiều lý do.

Trước hết, Anh là một “nước lớn vượt trội” trong EU, chiếm 17,2% tổng GDP của EU vào năm 2015. Thứ hai, Anh là trung tâm tài chính của châu Âu, quản lý hầu hết các quỹ đầu tư và quỹ đầu tư vốn tư nhân của châu Âu, tham gia vào 35% đầu tư mạo hiểm của EU.
Sau khi Anh rời khỏi EU, ngân sách hàng năm của EU sẽ thiếu hụt từ 2-3 tỷ euro. Hơn nữa, Anh còn là một nước lớn quân sự và là một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tiến trình xây dựng an ninh và quốc phòng ở châu Âu không thể tách rời nước Anh. Ngoài ra, Anh còn có năng lực mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới.
Chính vì tầm quan trọng của Anh nên việc nước này chọn rời đi đã khiến EU vô cùng tức giận. EU không phải là liên minh siêu quốc gia, song khối này có quyền lực tương tự một số quốc gia nào đó trong lĩnh vực ngoại giao, tư pháp, đồng thời còn có thể làm giảm dòng chảy tự do trong việc kiểm soát biên giới, vốn, hàng hóa và nhân sự giữa các nước thành viên. Thành tựu nhất thể hóa từng khiến EU cảm thấy tự hào đang mất dần đi khi tiến trình Brexit đang diễn ra.
Một chuyên gia của tờ The Economist cho biết 7 trong số các nước thành viên EU mà dẫn đầu là Đức và Pháp thuộc “phe không khoan nhượng”, chủ trương trừng phạt nghiêm đối với Anh; 12 quốc gia đại diện là Italy, Tây Ban Nha thuộc “phe cứng rắn” chủ trương Anh đã rời khỏi EU thì không nên quay trở lại, chỉ có 8 quốc gia nhỏ như Ireland và Thụy Điển... thuộc “phe ôn hòa” chủ trương “cứ dần dần bàn bạc với Anh”. Tổng cộng có trên 2/3 quốc gia thành viên giữ lập trường cứng rắn với tiến trình Brexit.
Các quan chức EU nhiều lần nhấn mạnh: một là Anh phải trả giá đắt cho việc rút khỏi EU; hai là mọi quy tắc thương mại trong tương lai đều phải làm cho các nước thành viên được hưởng ưu đãi hơn so với nước đã rút khỏi tổ chức; ba là không nên mơ mộng rằng “chỉ cần tuân thủ các quy tắc có lợi cho mình”.

Sở dĩ EU giữ lập trường cứng rắn, một là do lo ngại Anh rời khỏi EU dẫn tới chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa ly khai của phe cực hữu châu Âu lan rộng (trên thực tế đã nảy sinh hiệu ứng tương tự); hai là lo ngại việc Anh rời khỏi EU dẫn tới hiệu ứng domino trong các nước thành viên EU; ba là xem xét tầm quan trọng của Anh trong EU và những tổn hại của Brexit đối với tiến trình hội nhập châu Âu, phải khiến Anh trả một mức giá đắt đỏ.
Dựa trên những tính toán này, EU luôn giữ lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Anh. Các quan chức cấp cao của EU cho biết nếu Anh rời khỏi liên minh hải quan và thị trường chung thì sẽ phải đối mặt với rào cản thương mại không thể tránh khỏi, đồng ý cho phép Anh ở lại thị trường chung châu Âu và liên minh hải quan trong thời kỳ chuyển tiếp đã là một “ân sủng”, người Anh không nên mặc cả.

Tất nhiên, EU cũng biết rõ hậu quả của việc cả hai cùng tổn thất nếu làm Anh tức giận, nên đã cố ý dành cho Anh nhiều sự nhượng bộ hơn trong 21 tháng giai đoạn chuyển tiếp, song nhấn mạnh rằng Anh cần chấp nhận sự quản lý giám sát của EU trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không được tham gia các quyết sách của EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục