Vấn đề Brexit: Đông Nam Á liệu có thể thay thế EU?

05:30' - 21/10/2017
BNEWS Với tiêu đề "Liệu Đông Nam Á có thể cứu được Brexit", bài viết trên tờ Financial Times nhận xét đa phần giới tinh hoa Malaysia hiện giờ coi Anh là nước để đến học tập, mua bất động sản và xem bóng đá.
Vấn đề Brexit: Đông Nam Á liệu có thể thay thế EU? Ảnh: AFP/TTXVN

Tác giả Simon Kuper mô tả Malaysia với những đặc trưng giống Anh như lái xe tay lái nghịch, trạc cắm điện kiểu Anh, giới tinh hoa Malaysia nói tiếng Anh lưu loát theo cách phát âm của người Anh, có thể thuyết trình đầy am hiểu về những kế hoạch sự nghiệp của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Tại Kuala Lumpur vẫn còn lưu dấu sân chơi bóng cricket tại Merdeka Square, nơi Quốc kỳ Anh được hạ xuống vào đêm Malaysia tuyên bố độc lập năm 1957.  

Nếu như những người ủng hộ Brexit có kế hoạch lấy những nước thuộc địa trước đây của họ như Malaysia và Singapore để thay thế vị trí các nước trong cộng đồng Liên minh châu Âu (EU) làm đối tác thương mại chính của mình, liệu Đông Nam Á có thể cứu được Brexit?

Một thương gia Anh đã nghỉ hưu kể lại khi lần đầu tiên ông ta đến Malaysia năm 1968, các vé xe buýt của nước này cũng được in tại London, các cửa hàng buôn bán của người Anh rất nhiều, hầu như chiếm hết thị phần tại đây. Tuy nhiên điều này đã kết thúc. Hiện nay Anh chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Malaysia.  

Liệu có phải vì khối EU đã làm quan hệ thương mại Anh với Malaysia kém đi chăng? Câu trả lời là không phải vậy. Chi Hsia Foo -đại diện Cao ủy của Singapore tại Anh- trong cuộc họp mặt tại London hồi tháng 9/2017 đã thốt lên "chắc các ngài sẽ ngạc nhiên khi biết Anh không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore tại EU". Thực tế là các nước Đức, Hà Lan và Pháp có quan hệ thương mại với Singapore mạnh hơn Anh.  

Anh và Singapore đã tiến hành những cuộc đàm phán thương mại không chính thức chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit. Nhưng quan hệ thương mại giữa Anh với Malaysia năm 2015 chỉ mang lại 2,75 tỷ bảng, trong đó quan hệ thương mại Anh-Bỉ là khoảng 25 tỷ bảng. Theo tìm hiểu của tác giả thì giới doanh nghiệp Malaysia cũng không kỳ vọng quan hệ thương mại song phương Anh-Malaysia sẽ tăng cao trong tương lai.

Thậm chí có nhà đầu tư còn tiên đoán một Brexit thất bại sẽ mở đường cho lãnh đạo Công đảng đối lập lớn nhất Anh Jeremy Corbyn bước vào số 10 phố Downing, trở thành Thủ tướng Anh và khi đó "nước Anh sẽ trở thành không thể đầu tư được, giống như những năm 1970".

Một nhà đầu tư kỳ cựu Malaysia khác lại nhận định Brexit sẽ khiến nhiều công ty phải có hai trụ sở chính, một sẽ nằm tại một nước nào đó thuộc EU và một chắc chắn sẽ vẫn đóng tại London và ông này tin rằng "nhiều công ty của người Malaysia sẽ vẫn có văn phòng đặt tại London vì họ thích xem bóng đá Anh".

Hầu hết giới doanh nhân Malaysia nói về Brexit mang màu sắc cá nhân hơn là vấn đề kinh doanh. Đồng bảng Anh mất giá làm giá học phí đại học cho sinh viên quốc tế rẻ hơn. Mặt khác, vấn đề bài nhập cư của Anh khiến nhiều người Malaysia có thể không muốn con cái họ đến Anh học nữa, trên thực tế là nhiều người Malaysia thích gửi con sang Australia học hơn là sang Anh.

Vấn đề thương mại dường như chỉ là một suy nghĩ xuất hiện sau khi Anh quyết định rời khỏi EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số ý kiến phàn nàn cho rằng Brexit đã làm giới lãnh đạo Anh bị sao nhãng nhiều vấn đề khác. Một nhà khởi nghiệp kể lại ông từng bị một ngân hàng Anh do bị quá nhiều gánh nặng đã nói thẳng thừng "ông là khách hàng nằm cuối cùng trong danh sách ưu tiên của chúng tôi".

Các quan chức Anh do quá sốt ruột chú trọng vào các thỏa thuận thương mại chả còn tâm trí đâu để cùng với các nước Đông Nam Á nghĩ cách đối chọi về những rủi ro địa chính trị của một Trung Quốc đang lên, cũng như không bận rộn để gây sức ép lên lãnh đạo của Malaysia Najib vì việc ông này bỏ tù lãnh đạo đối lập của mình là Anwar Ibrahim.

Con gái của ông Anwar nói với tác giả "bây giờ mối quan tâm của nước Anh dường như là làm sao để có được những mối quan hệ thương mại và kinh tế tốt hơn với các nước mà thôi".

Nhưng vấn đề Brexit cũng không làm người Malaysia thức tỉnh. Thực tế là họ không cần nước Anh nữa. Chandran Nair, người đứng đầu viện nghiên cứu độc lập Global Institute for Tomorrow của Malaysia cho rằng "bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn khác". Đế chế một thời đã lùi vào quá khứ. Những tòa nhà chọc trời kiểu Trung Quốc đã mọc lên che khuất sân chơi bóng cricket ngày xưa của thực dân Anh thuở nào.

Cao ủy Singapore tại London cho biết Singapore là nước nhỏ hơn Anh rất nhiều và ở tại khu vực đông dân hơn nhiều. Nhưng bà Foo không hề nghĩ rằng nước bà có mức thuế thấp và những quy định dễ dàng. Singapore quản lý chặt chẽ, thuế cho các công ty là 17%, cũng giống mức mà Anh đã quyết định hạ thời trước Brexit.

Một số người khác cho rằng Singapore là nước có hệ thống trường học phổ thông đứng đầu thế giới, nước có cảng bận rộn nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và đại đa số dân Singapore là dân nhập cư- không giống Anh. London có thể giống Singapore. Nhưng nước Anh thì không.

Tác giả kể trên chuyến bay từ Malaysia trở về Anh, ông có cảm giác khá buồn cười vì cho rằng đối với nhiều người ủng hộ Brexit, vấn đề thương mại chỉ là một suy nghĩ xuất hiện sau khi Anh quyết định rời khỏi EU, một sự biện minh cho quyết định Brexit mà thực chất bị thôi thúc bằng những bản năng sâu bên trong.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục