Vấn đề hạt nhân Triều Tiên: Đóng băng kinh tế có phải là giải pháp? (Phần 1)

05:30' - 14/10/2017
BNEWS Sau những vụ thử tên lửa và hạt nhân gần đây của Bình Nhưỡng, nhiều nước đã ủng hộ việc sử dụng đòn bẩy kinh tế để chế ngự nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.
Trung Quốc hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa đối với Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn đàn Đông Á có bài viết của Tiến sỹ Ivan Lidarev, nguyên cố vấn Hội đồng Quốc gia Bulgaria, đề cập đến những hiểm họa khi các quốc gia trên thế giới tìm cách “khuất phục Triều Tiên” thông qua việc gây áp lực với Trung Quốc.

Cách tiếp cận này thoạt nhìn có vẻ khá hấp dẫn bởi nó tầm nhìn mạnh mẽ hơn so với những trừng phạt thiếu hiệu quả trước đó. Tuy nhiên, biện pháp này cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro.

Rõ ràng, Bình Nhưỡng đang nỗ lực thiết lập một khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh của nước này nhằm đảm bảo an ninh của mình. Vì lý do này, Triều Tiên cần phải tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Nếu buộc Bình Nhưỡng từ bỏ một mục tiêu an ninh quan trọng như vậy, thì Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt đứt huyết mạch kinh tế và năng lượng của Triều Tiên. Làm như vậy, Trung Quốc sẽ đẩy đồng minh của mình đến bờ vực sụp đổ kinh tế.

Việc bóp nghẹt về kinh tế sẽ làm tăng triển vọng sụp đổ của chế độ Triều Tiên, kịch bản mà Trung Quốc lo sợ nhất. Do đó, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện nay đối với Triều Tiên.

Các biện pháp nhỏ hơn như trừng phạt thương mại hoặc tạm ngừng cung cấp khí đốt, dầu mỏ và than sẽ khó lòng buộc Bình Nhưỡng chấm dứt theo đuổi khả năng răn đe hạt nhân. Khi đó, đòn bẩy của Trung Quốc đối với Triều Tiên sẽ rất khó sử dụng.

Nếu “bóp nghẹt” Triều Tiên về kinh tế, thì sẽ xảy ra những rủi ro lớn. Thứ nhất, Triều Tiên có thể sẽ đáp trả sức ép của cộng đồng quốc tế bằng cách leo thang căng thẳng hơn nữa, tiến hành các hành động khiêu khích, tấn công quân sự và điều khiển học nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Những hành động như vậy sẽ châm ngòi cho sự leo thang quân sự nguy hiểm hơn nữa trên Bán đảo Triều Tiên, làm tăng nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh và sự sụp đổ của Triều Tiên.

Đứng trước cuộc khủng hoảng như vậy, liệu Mỹ và Trung Quốc có tiếp tục gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng hay không khi mà những tổn thất ở trong nước, quốc tế và kinh tế sẽ là rất lớn? Và liệu họ vẫn sẽ đoàn kết sau khi khuất phục Triều Tiên?

Leo thang căng thẳng sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với Triều Tiên, song nước này có thể sẽ đáp trả Mỹ và các nước đồng minh như những gì từng bị cáo buộc đã làm trong quá khứ khi họ cho đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, tấn công mạng vào hãng Sony hay gần đây nhất là đe dọa tấn công đảo Guam.

Triều Tiên rõ ràng có khả năng leo thang căng thẳng đồng thời kiểm tra sự quyết tâm của Washington và Bắc Kinh trong việc giải quyết khủng hoảng trên bán đảo này. Không ai có thể đoán biết một “trò chơi thách đố” như vậy sẽ kết thúc ra sao.

Thứ hai, việc gây “sức ép tối đa” lên Bình Nhưỡng có thể sẽ dẫn đến kết quả khiến nhiều người lo sợ: chế độ Triều Tiên sụp đổ. Sự tan rã của nền kinh tế Triều Tiên - đặc biệt nếu kết hợp với hành động quân sự - có thể tạo ra một cuộc cách mạng, lật đổ chế độ hoặc một cuộc đảo chính nội bộ với những hậu quả đáng sợ.

Có những dấu hiệu cho thấy rằng chế độ Triều Tiên ít ổn định ở chỗ việc kiểm soát đối với tư tưởng và vận mệnh kinh tế đất nước đang bị “thu hẹp lại” cùng với thiên hướng hành quyết của nhà độc tài Kim Jong-un khiến lòng trung thành của các quan chức trong chính quyền và quân đội bị suy giảm.

Việc khuất phục Triều Tiên về mặt kinh tế chắc chắn sẽ là một nguy cơ cao mà Mỹ đã đặt cược vào sự ổn định của một chế độ vốn hiểu rất ít về nó.

Sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên chắc chắn sẽ đẩy dòng người ồ ạt chạy sang Trung Quốc, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và là cơ sở để họ tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ Trung Quốc trong tương lai.

Thậm chí tồi tệ hơn, Triều Tiên sụp đổ có thể dẫn đến sự can thiệp của Trung Quốc, trong đó có thể tạo ra một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ và Hàn Quốc hoặc đẩy căng thẳng lên cao, biến cuộc cạnh tranh mềm Trung-Mỹ thành một cuộc xung đột nghiêm trọng.

Bắc Kinh cũng có thể nhận thấy mình sẽ rơi vào hoàn cảnh đáng sợ vì phải chiếm đóng, bình định, tái thiết và xây dựng lại Triều Tiên với khoản chi phí khổng lồ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục