Về miền ký ức hào hùng - Bài 3: Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào

20:51' - 26/07/2019
BNEWS Ngược thời gian lượm tìm những câu chuyện năm nào từ những nhân chứng lịch sử mới thấy những ngày hoà bình hôm nay được tiếp nối từ những hy sinh, mất mát của hôm qua.

                                         "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

                                          Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ"

                                                                (Thơ Phạm Đình Lân) 

Anh Hoàng Tùng, Phó trưởng phòng Kinh tế Việt Nam khẽ khàng đọc những câu thơ ấy đủ để chúng tôi nghe thấy khi bắt đầu đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị. Trong đó có người đến đây lần đầu, cũng có người đến đây không ít lần, nhưng tất cả đều lặng người, nghiêng mình khi nhìn nấm mộ chung của các anh như khúc tráng ca sừng sững giữa trời.

Thành cổ Quảng trị. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Gác lại những công việc thường ngày, những thành viên trong Đoàn theo chân chị hướng dẫn viên đến dâng hương tại Đài tưởng niệm và ôn lại thước phim 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa 1972. 

Thị xã Quảng Trị trong những tháng, ngày đó được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động từ 150 - 170 lần chiếc máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm nơi đây phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Do vậy, thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã bị san phẳng hoàn toàn và sự sống đã bị hủy diệt. Dòng sông Thạch Hãn nằm kề bên Thành cổ chưa đầy 500m được miêu tả là dòng sông máu - chứng tích về sự hy sinh của biết bao người để đổi lấy hòa bình. 

Nhưng nơi đây sức mạnh bom đạn không đè bẹp được con người. Dù trên mình mang đầy thương tích, nhưng các anh vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không rời trận địa, người này ngã xuống người khác lại đến thay. Báo Quân đội Nhân dân ra ngày 9/8/1972 có viết “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta dành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. 

Nhận định về trận chiến này, cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng nói: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thực sự – Những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại."

Hàng ngàn mái đầu xanh, hàng ngàn ước mơ xanh dang dở đã nằm mãi nơi này. Sự hy sinh ấy đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử mang tên anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Như cựu chiến binh Lê Bá Dương từng viết về đồng đội mình: "Có tuổi đôi mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Cũng tại nơi này, nhiều hiện vật có giá trị đã được lưu giữ như một bằng chứng không thể chối cãi về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh. Tôi đã nhiều lần thăm Thành cổ và không lần nào nước mắt không rơi khi đọc những dòng bút tích của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. 

Tại Nhà bảo tàng thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Bức thư anh Huỳnh để lại cho gia đình nay đã ố vàng, nhưng vẫn còn rõ nét chữ màu mực xanh Cửu Long. Giống như tôi, biên tập viên Phương Nga đã rưng rưng khi đọc những dòng chữ đầy xúc động, trách nhiệm trước Tổ quốc và gia đình.

Bức thư có đoạn anh Huỳnh dặn vợ: "Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới  anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về". 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của cuộc chiến 81 ngày đêm thì vẫn còn đó. Cổ thành xưa và dòng sông Thạch Hãn trở thành tượng đài lịch sử trong tâm khảm đồng bào cả nước. Nơi đây mãi là cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch sử cho những ai muốn chiêm nghiệm lẽ sống và sự hy sinh bất tử.

Bác Nguyễn Thế Lâm, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Cán bộ - TTXVN từng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc. Bác là một trong số ít những chiến sỹ may mắn được trở về sau mùa hè đỏ lửa 1972 từ chiến trường Quảng Trị.  Dấu tích đạn bom vẫn còn trên mình, nhưng không năm nào người cựu binh ấy thôi hướng về đồng đội đã nằm xuống cho hòa bình hôm nay.

Bác Lâm kể, dù công việc có bận đến đâu nhưng năm nào tôi cũng cố gắng thu xếp thời gian vượt cả ngàn km cùng các đồng đội còn sống trở lại chiến trường xưa. "Hàng năm, người sống và người đã khuất đều gặp nhau một lần để ôn lại những năm tháng nằm đất ăn chay. Có những giá trị đời đời ghi nhớ và không thể nào quên. Đó là những giá trị mà không giấy bút nào lột tả được".

Và lần nào trở lại chiến trường xưa cũng đầy nước mắt, những giọt nước mắt của niềm tự hào đan xen sự biết ơn, tưởng nhớ. Bác Lâm kể có đồng đội mặc nguyên bộ quân phục, đi xe máy cả trăm cây số và khi đến đây thì quỳ xuống ôm ghì đất mẹ, khóc gọi tên các đồng đội đang nằm dưới đáy sông Thạch Hãn. 

Người ta thường nói sống trong đời sống cần biết quên đi những khổ đau để hướng về những điều đẹp. Nhưng những đau thương, mất mát một thời hào hùng của dân tộc thì không được phép quên. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết : “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ”. Sự sống của Quảng Trị, sự sống của Thành cổ đã hồi sinh từ biết bao khó khăn gian khổ của các chiến sỹ và đồng bào cả nước đã chiến đấu anh dũng để giành lại độc lập, tự do và hòa bình  cho Tổ quốc. 

Phóng viên, Biên tập viên Ban Biên tập tin Kinh tế (BNEWS)-TTXVN dâng hương tại thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN 

Thế hệ chúng tôi hôm nay chỉ biết đến khói bom, súng đạn qua những trang sách, qua lời kể của cha ông. Ngược thời gian lượm tìm những câu chuyện năm nào từ những nhân chứng lịch sử mới thấy những ngày hoà bình hôm nay được tiếp nối từ những hy sinh, mất mát của hôm qua. Tự do hôm nay được đánh đổi bằng cả máu xương của đồng bào và ngược thời gian mới thấy những khó khăn của cuộc sống hôm nay là nhỏ bé so với hôm qua.

Rời Thành cổ giữa trưa nắng chang chang, câu thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân như ngân vang mãi: "Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật. Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào!"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục