“Vị đắng" kinh tế của Thế vận hội Tokyo 2020 (Phần 2)

05:30' - 01/08/2021
BNEWS Trong lịch sử Thế vận hội, từ năm 1960 tới nay ngân sách chưa bao giờ được “cân bằng” và cũng chưa một nước nào duy trì được mức ngân sách dự phóng ban đầu.

Góc nhìn lạc quan hơn của Thế vận hội Tokyo 2020

Mặc dù Thế vận hội Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020) để lại nhiều “vị đắng” đối với nhiều doanh nghiệp, cũng có những công ty biết xoay xở, “tương kế, tựu kế”. Do khủng hoảng y tế, hàng quán bị đóng cửa, hãng bia Asahi tuy không tiếp cận được với khán giả tại các sân vận động hay Làng Olympic, nhưng họ đã dồn nỗ lực cho ngân sách quảng cáo trên đài truyền hình. Một tính toán khôn ngoan bởi đây là kênh duy nhất đưa khán giả Nhật Bản và quốc tế đến gần với Olympic Tokyo 2020. 

Nhà cung cấp mạng NTT thì chọn mở rộng dịch vụ để phục vụ tốt hơn các phái đoàn đến tranh tài tại Nhật Bản. Các nhà tài trợ quốc tế như hãng nước giải khát của Mỹ Coca-Cola hay tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cũng khai thác tối đa hình ảnh của mình qua các chiến dịch quảng cáo trên tivi với toàn thế giới.

Năm 2013, Chính phủ Nhật Bản thuyết phục Ủy ban Thế vận hội Quốc tế rằng Olympic Tokyo 2020 sẽ là một mùa thể thao “lành mạnh”, không quá tốn kém nhờ đã có sẵn nhiều cơ sở hạ tầng và Tokyo sẽ không để tiền bạc nhấn chìm những giá trị của Thế vận hội. Bên cạnh đó, Thế vận hội 2020 cũng sẽ là tủ kính của “công nghệ sạch” của những “phát minh mới”. Ngân sách ban đầu được ấn định ở mức 7,8 tỷ USD.

Tám năm sau, Olympic Tokyo 2020 trở thành Thế vận hội tốn kém nhất từ trước tới nay. Hơn cả mức chi tiêu đến chóng mặt của Bắc Kinh năm 2008 hay London năm năm 2012. Trước mắt, các phí tổn dự trù lên tới gần 16 tỷ USD, trong đó bao gồm một loạt các chi phí ngoài mong đợi để bảo đảm vệ sinh và an toàn cho các phái đoàn trong mùa đại dịch, cùng việc phải hoãn Thế vận hội Tokyo đi một năm. Bên cạnh những lo ngại về y tế, công luận Nhật cho rằng, viễn cảnh thua lỗ cũng là một lý do chính đáng để hủy Olympic Tokyo 2020.

Tuy nhiên, nhà báo Anne Verdaguer không quá bi quan như vậy. Bà nhận định: “Một thành viên Ủy ban Thế vận hội Tokyo cho rằng Nhật Bản đã bỏ lỡ cơ hội để tuyên bố hủy Olympic năm nay. Ngoài ra, nhiều tiếng nói khác ngay cả trong hàng ngũ chính phủ cũng tán đồng quan điểm này. Về phía công luận, hơn 80% những người được hỏi chủ trương nên hủy sự kiện thể thao này.

Nhật Bản ước tính chi gần 16 tỷ USD cho Thế vận hội năm nay và đây là số tiền chưa từng thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, về câu hỏi vắng bóng khán giả có ảnh hưởng gì đến kinh tế Nhật hay không, câu trả lời gần như là không, bởi vì giới tài chính đã dự trù kịch bản này xảy ra”. 

Nhà báo này cũng nói thêm rằng một vài nhà tài trợ Nhật Bản đã thấy cổ phiếu của họ bị giảm giá do chính phủ quyết định đóng cửa các địa điểm thi đấu với công chúng. Riêng ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán bar thiệt hại nhiều vì không có du khách.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì ngay cả trong trường hợp Nhật Bản có thể đón đến 600.000 du khách quốc tế, những du khách này cũng chỉ tiêu một khoản tiền vào khoảng 730 triệu euro (890 triệu USD) trong thời gian tham quan Tokyo. Số tiền này chỉ tương đương khoảng 0,02% GDP của Nhật. Nói cách khác, kinh tế Nhật Bản sẽ không bị chao đảo vì vắng khách ngoại quốc đến xem Olympic Tokyo 2020.   

Đồng quan điểm này, kinh tế gia Takahide Kiuchi thuộc ngân hàng Nomura cũng cho rằng tác động kinh tế của Thế vận hội là khá giới hạn so với GDP tổng thể của toàn nước Nhật. Ngay cả trong trường hợp Thế vận hội kỳ này bị hủy bỏ thì “khoản thất thu cũng không thấm vào đâu so với những tổn thất mà các đợt phong tỏa và tình trạng khẩn cấp y tế để lại”.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng nhắc lại rằng trong lịch sử Thế vận hội, từ năm 1960 tới nay ngân sách chưa bao giờ được “cân bằng” và cũng chưa một nước nào duy trì được mức ngân sách dự phóng ban đầu. Tuy vậy, cũng chưa một mùa Olympic nào ngân sách lại bị nhân lên gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Ba năm trước Thế vận hội Paris 2024, chắc chắn là Pháp cũng đang lo lắng. Paris dự trù một ngân sách dưới 8 tỷ USD cho Olympic 2024 và kỳ vọng thu về 11 tỷ USD nhờ sự kiện thể thao này. Nhưng đó là chưa kể đến những bất ngờ vào giờ chót, vào sự thận trọng của các nhà tài trợ, vào tình hình y tế, xã hội. Nhiều khả năng nước chủ nhà cũng sẽ bị thua lỗ nhưng liệu rằng Paris có may mắn hơn Tokyo tránh để ngân sách chi tiêu tăng lên gấp đôi hay không?./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục