Vi phạm quy định phòng, chống dịch sẽ bị xử lý như thế nào?

10:26' - 14/05/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, sự thiếu ý thức của bất cứ cá nhân hay đơn vị nào đều có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung của cả hệ thống.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân "trong vi phạm quy định phòng, chống dịch đối với Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội".

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, sự thiếu ý thức của bất cứ cá nhân hay đơn vị nào đều có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch chung của cả hệ thống. Và mọi vi phạm về quy định phòng, chống dịch đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

* Một số vi phạm liên quan phòng chống COVID-19 và mức phạt

- Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19:

Mức phạt: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Quy định: tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh COVID-19:

Mức phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Quy định: tại Điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Xử lý hình sự: Trường hợp làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. 

- Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thầm quyền đối với người mắc bệnh COVID-19:

Mức phạt: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế". 

Quy định: tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Xử lý hình sự: Trường hợp làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. 

- Hành vi không thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc ra đường thuộc diện không cần thiết:

Mức phạt: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Quy định: tại Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

- Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19:

Mức phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tố chức) (Quy định: tại Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Xử lý hình sự: Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.

* Mọi vi phạm về quy định phòng, chống dịch đều bị xử lý

Trước sự bùng phát trở lại dịch COVID-19, những ngày qua, đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng chức năng phải dồn sức, căng mình để chống dịch. Tuy nhiên, nhiều người trong diện nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 lại không chủ động khai báo y tế để trốn tránh cách ly, gây lay lan dịch trong cộng đồng.

Mới đây nhất là trường hợp vợ chồng Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (BN 3634 và BN3633) có đến Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và di chuyển qua nhiều địa bàn sau khi về Hà Nội, nhưng đã không thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trước đó, trường hợp anh L.V.C (BN3092) ở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội đi du lịch Đà Nẵng, ở cùng khách sạn với người Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2, mà về không khai báo y tế, còn đi liên hoan, ăn uống ở nhiều nơi, làm lây lan cho hàng loạt ca bệnh khác.

Hay như BN 2899 (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) - bệnh nhân đầu tiên trong đợt bùng phát dịch lần này, cũng đã không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch sau cách ly...

Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc trốn tránh khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, không thực hiện nghiêm quy định về cách ly y tế khi có yếu tố dịch tễ, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh là hành vi không thể chấp nhận. Pháp luật đã có đầy đủ quy định về xử lý những hành vi nêu trên.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân "trong vi phạm quy định phòng, chống dịch đối với Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội".

Trường hợp làm lây lan dịch bệnh ở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội và các cá nhân tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống dịch liên quan đến BN 2899 ở Hà Nam cũng bị xem xét trách nhiệm, xử lý và kỷ luật.

* Nâng cao trách nhiệm cá nhân

Hiện nay, cùng với việc phải đối mặt với nguy cơ rất cao là nguồn lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài qua các đối tượng nhập cảnh, hoặc vượt biên trái phép, các lực lượng chức năng còn đang phải quyết liệt triển khai mạnh mẽ các giải pháp để ngăn chặn các nguồn lây lan trong cộng đồng.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, cần có sự ủng hộ, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng chống dịch cao độ của mỗi cá nhân, tổ chức.

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn trước, chúng ta cần tiến hành càng nhanh càng tốt các biện pháp truy vết dịch tễ, phát hiện và khoanh vùng ổ dịch, xét nghiệm hết các trường hợp nghi nhiễm, cách ly các ca nhiễm để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Nếu chậm, sẽ bỏ lỡ mất thời gian vàng.

Do đó, mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch, quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kiên quyết không vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm của một vài cá nhân mà làm tổn hại đến thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Mỗi người dân cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội...

Với những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện những giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch lan rộng. Ðó cũng là sự chung tay, góp sức cùng cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục