Vì sao AIIB có sức hút lớn?

06:56' - 05/06/2017
BNEWS Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang chứng tỏ sức hấp dẫn mạnh mẽ của mình khi vừa mới kết nạp thêm 7 thành viên mới, nâng tổng số thành viên của ngân hàng này lên 77.
Lễ ký kết các điều khoản trong thảo thuận về AIIB. Ảnh: THX

Sức hút ngày càng lớn của AIIB đang hứa hẹn sẽ đem đến động lực mới cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới.
* Hướng tới châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung
Với ý tưởng thành lập một ngân hàng giúp cấp vốn cho công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực châu Á, kể cả ASEAN, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một “Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng châu Á”. Và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã được ra đời từ mục đích đó.
Sự ra đời của AIIB xuất phát từ tình hình thực tế khi châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới - chiếm tới 60%, kéo theo nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng là rất lớn. Theo dự báo, đến năm 2050, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á sẽ chiếm tới 60% toàn cầu, GDP bình quân đầu người ở khu vực châu Á sẽ đạt 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn châu Âu hiện nay. Nói cách khác, châu Á đang có tiềm năng và triển vọng phát triển hết sức to lớn.
Và để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của mình, châu Á cần lượng đầu tư rất lớn trong thời gian tới, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2020, khu vực châu Á sẽ cần tổng cộng số tiền đầu tư lên tới 8.000 tỷ USD, trong đó 68% dùng cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và 32% dùng cho nâng cấp các cơ sở hạ tầng hiện có trong các lĩnh vực năng lượng, thông tin liên lạc, giao thông và xử lý nước thải.

Nhưng Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và chính phủ các nước chỉ có thể đáp ứng được khoảng 7.500 tỷ USD, vẫn còn thiếu khoảng 500 tỷ USD. Do đó Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á được cho là sẽ đáp ứng được nhu cầu còn thiếu của các quốc gia trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
Sau hơn hai năm chuẩn bị với 4 vòng đàm phán cấp cao, vào ngày 25-12-2015, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã chính thức thành lập ở thủ đô Bắc Kinh. AIIB chính thức đi vào hoạt động vào ngày 16-1-2016.
Ngày 24-6-2016. AIIB đã phê duyệt 4 khoản cho vay đầu tiên với tổng trị giá 509 triệu USD cấp cho các dự án tại các nước thành viên. Trong đó, 3 khoản được AIIB cấp vốn chung với các đối tác Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu tư cho các dự án xây một đường cao tốc ở Pakistan (trị giá 100 triệu USD), cải tạo các khu vực nhà dân tại Indonesia (trị giá 216,5 triệu USD) và nâng cấp đường bộ ở Tajikistan (27,5 triệu USD). Khoản vay còn lại trị giá 165 triệu USD dành cho dự án đưa điện đến vùng nông thôn Bangladesh.
Những khoản cho vay chung nói trên được xem là biểu hiện xác thực của hợp tác đa phương giữa AIIB với các thể chế tài chính khác để cấp vốn cho các dự án ở khu vực châu Á, đồng thời góp phần tạo thêm việc làm, đóng góp tích cực cho việc chấn hưng kinh tế châu Á và thế giới.
* Sức hút ngày càng tăng
Với ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như địa chính trị và là biểu tượng cho một xu hướng phát triển quan trọng của lịch sử, AIIB đang cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của mình.

AIIB vừa kết nạp thêm 7 thành viên mới. Ảnh minh họa: Reuters


Ngay trước thềm Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường" được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc (ngày 14 và 15-5-2017), Ban điều hành AIIB đã thông qua việc chấp thuận đơn đăng ký gia nhập của thêm 7 thành viên mới.
Các quốc gia được thông qua lần này gồm Bahrain, CH Cyprus, Samoa, Bolivia, Chile, Hy Lạp và Romania. Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần (Jin Liqun) khẳng định việc có thêm nhiều quốc gia đang đăng ký trở thành thành viên ngân hàng này là bởi họ hiểu rằng chủ nghĩa quốc tế có thể thúc đẩy phát triển tại châu Á đồng thời mang đến nhiều lợi ích cho kinh tế toàn cầu.

Ông nêu rõ AIIB hoan nghênh các thành viên tiềm năng này và bày tỏ cảm ơn các quốc gia này vì đã tham gia vào nỗ lực đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng tại khu vực. Các quốc gia trên sẽ chính thức gia nhập AIIB khi hoàn tất các thủ tục trong nước và nộp khoản đóng góp vốn đầu tiên vào ngân hàng.
Với 77 thành viên, AIIB có số vốn cơ bản là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. Ấn Độ và Nga góp lần lượt 8,52% và 6,66% số vốn, nắm giữ quyền biểu quyết lần lượt 7,5% và 5,92%.
Việc tăng thêm số thành viên đã cho thấy sức hút của AIIB ngày càng lớn. Nhiều quốc gia đã nộp đơn xin đăng ký tham gia AIIB, bất chấp sự phản đối của Mỹ - vốn chi phối các định chế tài chính lớn trên thế giới như IMF hay WB.

Đáng chú ý là trong danh sách này, bên cạnh sự góp mặt của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Philippines… còn có sự tham gia của các nước châu Âu như Anh, Italy, Đức, Pháp, Luxemburg, Thụy Sỹ. Gần đây, Canada cũng đã thông qua quyết định gia nhập AIIB. Như vậy, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), chỉ còn Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài cánh cửa của AIIB.
Trước sức hấp dẫn của AIIB, các nhà kinh tế đã đặt câu hỏi điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của AIIB đến như vậy? Khác với nhiệm vụ và nghiệp vụ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) là mang tính toàn cầu, thì trên thực tế, AIIB có tính chất khu vực.

Ngân hàng này có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á, thúc đẩy sự phát triển khu vực để không chỉ giúp nhiều người thoát nghèo, mà còn có thể làm gia tăng tầng lớp trung lưu ở khu vực này, tạo ra thị trường tiêu thụ cực lớn cho nền kinh tế khác bên ngoài châu lục.
Như vậy, cho dù thời điểm hiện tại mới chỉ là sự khởi đầu của AIIB và phía trước sẽ còn rất nhiều việc phải làm, song với 77 thành viên tham gia, AIIB đang hứa hẹn sẽ đem đến động lực mới cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục