Vì sao cần lập hồ sơ điện tử để theo dõi sức khỏe cá nhân?

18:37' - 02/03/2017
BNEWS Việc lập hồ sơ điện tử theo dõi, quản lý sức khỏe của người dân mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Điều này giúp đồng bộ hóa việc chăm sóc sức khỏe ở nhiều tuyến với nhau.
Bệnh nhân khám theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thủ Đức. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Và việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.

* Những lợi ích thiết thực

Có thể nói, nếu thiết lập được sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân bằng hồ sơ điện tử, tiến tới chính thức triển khai trên phạm vi cả nước, hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Bởi hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...

Về lâu dài, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.Vì vậy, nếu triển khai được việc lập sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân, trước hết người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự. Cùng đó, người dân hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ cũng như nhận thức được lợi ích của việc mua thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT).

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác...

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này còn phục vụ cho công tác quản lý y tế như đánh giá, phân tích mô hình bệnh tật theo độ tuổi, vùng miền, chất lượng dịch vụ y tế. Đồng thời cũng cảnh báo kịp thời về các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hay những thông tin y tế quan trọng đối với cộng đồng.

Đặc biệt, khi hệ thống y tế cơ sở, các trạm y tế xã phường nếu được đầu tư, nâng cao chức năng nhiệm vụ, quyền hạn sẽ góp phần rất lớn trong giúp đỡ nhân dân hạn chế bệnh tật, giảm áp lực cho tuyến trên, hạn chế được rất nhiều chi phí cho ngành y tế.

Nói về việc quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, của ngành Y tế, ngành Bảo hiểm. Bởi nếu thiết lập được một hệ thống hồ sơ quản lý chăm sóc sức khỏe của toàn bộ người dân trên cả nước, Bộ Y tế sẽ biết mô hình bệnh tật từng vùng, từng khu vực, từng lứa tuổi để từ đó có những phân tích, phục vụ công tác chuyên môn hiệu quả nhất.

* Sẽ nhân rộng phạm vi trên cả nước

Sau những tín hiệu khả quan của việc thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân tại thành phố Hà Nội và trên địa bàn hai tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, mô hình này sẽ được nhân rộng cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước.

Khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2014, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình. Các quận, huyện triển khai theo mô hình bác sỹ gia đình đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận, huyện, thị xã. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ.

Tới đây, mỗi người dân Thủ đô sẽ được lập sổ khám chữa bệnh với các thông tin cơ bản: Chiều cao, cân nặng, khám cận lâm sàng; các chỉ số cơ bản về máu và siêu âm. Để triển khai công việc này, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung cho 42 cơ sở y tế. Mỗi người có một mã số riêng, sau này khám chữa bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng được cập nhật vào hệ thống, nhưng thông tin cá nhân được bảo mật, bác sĩ chỉ mở hồ sơ khi được người bệnh đồng ý.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 5 năm vừa qua, bình quân một trạm y tế ở Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng, nên cơ sở vật chất, trang thiết bị đều được bảo đảm. Với sự nỗ lực lớn, đến nay Hà Nội có 560/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở (96%), phấn đấu hết năm 2017 Hà Nội hoàn thành xây dựng chuẩn quốc gia y tế. Bên cạnh đó Hà Nội có 42 cơ sở, bệnh viện công lập, với khoảng 5.000 y, bác sỹ và 2.985 cơ sở y tế ngoài công lập.

Cùng với sự chuẩn bị đó, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân và sẽ triển khai ngay việc khám sức khỏe ban đầu, từ đó lưu hồ sơ dữ liệu cho mỗi người dân thuận tiện trong việc theo dõi, khám chữa bệnh lần sau. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo từ cấp Thành phố đến các quận, huyện và dự kiến trong khoảng 6-7 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9-2017) sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cùng với Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và Phú Thọ cũng tham gia thực hiện việc triển khai thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Theo đó, Phú Thọ đã tiến hành thí điểm tại huyện Yên Lập, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho hơn 62.000 người/92.794 người, đạt 67%. Từ tháng 3 đến hết tháng 6-2017, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn. Còn tỉnh Bắc Ninh đã thí điểm triển khai tại xã Chi Lăng và Phù Lương thuộc huyện Quế Võ, khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.795 người. Dự kiến trong 5-6 tháng tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn tỉnh.

Đánh giá tiến độ việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm tại 3 địa phương trên, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Phạm Lê Tuấn đề nghị các đơn vị xây dựng và thống nhất việc khám, lập hồ sơ gồm các loại xét nghiệm (nhóm máu, công thức máu, đường huyết…), siêu âm, khám chuyên khoa... thống nhất trong việc khám và quản lý hồ sơ. Thứ trưởng Tuấn cũng nhấn mạnh, hồ sơ quản lý sức khỏe phải luôn được cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe, các chuyên khoa của các đối tượng khác nhau.

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã thiết kế hồ sơ quản lý sức khỏe theo các nhóm tuổi: 0-6 tuổi, 6-18 tuổi, 18-60 tuổi và người cao tuổi. Theo đó, ngoài tiền sử sức khỏe, chiều cao cân nặng, mỗi người dân được xét nghiệm máu và công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tổng quát ổ bụng, xét nghiệm đường huyết và khám mắt. Các thông tin này sẽ được lưu bản cứng tại trạm y tế xã phường, cập nhật vào máy tính.

Thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ là những địa phương đầu tiên tiến hành thí điểm việc lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân và bước đầu cũng đạt kết quả khả quan. Trong tương lai, ngành Y tế và Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thiết lập hồ sơ và quản lý hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho 100% người dân trên cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục