Vì sao cần phải đăng ký mô tô, xe máy điện?

08:25' - 19/12/2015
BNEWS Theo Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội (PC67), từ ngày 7/12 mô tô, xe máy điện phải đăng ký biển số. Nhưng vì sao cần phải đăng ký mô tô, xe máy điện? Xe đạp điện, xe máy điện hiểu sao cho đúng?

Ngày 22/10/2015, Bộ Công an ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA bổ sung cho Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an quy về đăng ký xe.

Theo đó kể từ ngày 6/12/2015 đến 30/6/2015 việc giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với mô tô điện, xe máy điện sẽ được thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ xe trong việc đăng ký sở hữu phương tiện mô tô, xe máy điện. 

Xe đạp điện, xe máy điện hiểu sao cho đúng?

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.

“Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe  xích  lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự”.

Căn cứ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT và QCVN 68:2013/BGTVT, việc phân loại mô tô, xe máy điện và xe đạp điện được thực hiện theo các tiêu chí sau:

- Mô tô điện: là xe điện hai bánh có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50km/h; hoặc công suất động cơ điện lớn hơn 4kW.

- Xe máy điện: Vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h; và công suất động cơ điện không lớn hơn 4kW.

- Xe đạp điện: Có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện không lớn hơn 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg.

Như vậy hệ thống văn bản pháp luật quy định loại phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện hiện nay đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, người sử dụng thường nhầm lẫn giữa các loại xe chạy bằng điện hiện nay.

Mô tô, xe máy điện xuất hiện nhiều, đa dạng về mẫu mã. Nguồn: Cổng TTĐT Cục CSGT

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn liên quan thì mô tô điện, xe máy điện thuộc nhóm xe cơ giới nên phải thực hihện đăng ký và cấp biển số, đăng kiểm và quy định về độ tuổi cho người điều khiển, đội mũ bảo hiểm khi vận hành.

Đối với xe đạp điện thuộc nhóm xe thô sơ nhưng cũng phải giới hạn tốc độ tối đa và khi tham gia giao thông bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên, một trong số những quy định này đang bị bỏ ngỏ, khiến tình trạng xe máy điện, xe đạp điện lưu thông và vi phạm tràn lan trên đường và khó kiểm soát.

Xe máy điện tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao

Không tốn tiền mua xăng, không cần giấy phép lái xe, với mức giá dao động  trên dưới mười triệu đồng, người tham gia giao thông có thể sở hữu một chiếc xe chạy tương đương với vận tốc của chiếc xe máy.

Chính vì vậy, vài năm trở lại đây xe máy điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông và người lớn tuổi ở các thành phố.

Bên cạnh những lợi ích mà loại xe này mang lại như: thân thiện với môi trường, nhỏ gọn dễ di chuyển… lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn giao thông.

Với trọng lượng nhẹ, khi chạy trên đường bằng phẳng, đường đô thị có thể đạt vận tốc 40-45km/h nên rất dễ gây TNGT chỉ cần va chạm nhẹ. Trong khi đó đối tượng sử dụng loại phương tiện này chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh.

Với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này là thích mạo hiểm, tìm kiếm sự phấn khích, cảm giác mạnh nhưng nhận thức của thanh thiếu niên, học sinh về những quy định của pháp luật giao thông còn hạn chế, chưa hình thành được thái độ tích cực và thói quen chấp hành đúng các quy tắc khi tham gia giao thông nên thực tế có không ít vụ TNGT nghiêm trọng có liên quan đến xe máy điện.

Xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện. Nguồn: Cổng TTĐT Cục CSGT

Hiện nay chưa có thống kê cụ thể về số lượng xe máy điện lưu hành và số vụ tai nạn liên quan đến loại xe này.

Thế nhưng nhìn vào thực tế hàng ngày khi tham gia giao thông trên đường, chứng kiến cảnh nhiều học sinh đèo nhau trên những chiếc xe đạp điện, xe máy điện dàn hàng 3, hàng 4, không đội mũ bảo hiểm phóng vù vù phóng trên đường, lạng lách, đánh võng trước đầu xe máy, ô tô khiến người đi đường bức xúc và lo ngại.

Siết chặt quản lý xe máy điện, góp phần bảo đảm TTATGT

Theo quy định của pháp luật, từ ngày 1/6/2014, xe máy điện bắt buộc phải đăng ký, cấp biển số, mới được phép lưu thông. Mọi vi phạm của người tham gia giao thông bằng xe máy điện sẽ bị xử phạt như đối với các loại xe mô tô khác.

Tuy nhiên, thực tế sau một năm Thông tư có hiệu lực, việc triển khai đăng ký cấp biển số và quản lý xe máy điện chưa hiệu quả.

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến một số lượng lớn chủ sở hữu xe máy điện vẫn chưa đến Phòng Cảnh sát giao thông để đăng ký do thiếu các loại giấy tờ và nguồn gốc của xe.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm bởi người vi phạm chủ yếu là độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, xe không có biển số, số khung, số máy… nên tạm giữ phương tiện dễ dẫn đến nhầm lẫn, sai sót.

Chính vì vậy, thời gian qua, tại nhiều địa phương lực lượng CSGT chủ yếu mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở, tuyên truyền.

Trước thực trạng bùng nổ về loại phương tiện chạy bằng điện, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia đầu ngành về an toàn giao thông bàn về vấn đề quản lý xe điện sao cho hiệu quả tối ưu nhất.

Theo đó Uỷ ban ATGT Quốc gia đã trao đổi với một số bộ, ngành như: Công an, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo để báo cáo Chính phủ cho phép đơn giản hoá các thủ tục để đăng ký xe máy điện đang lưu hành.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đồng ý miễn, giảm lệ phí đăng ký đến hết ngày 30/6/2016 đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện các thủ tục đăng ký khi chủ phương tiện thực hiện thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng phương tiện.

Bộ Công an cũng quyết định theo thẩm quyền và hướng dẫn việc miễn các loại hồ sơ, chứng từ khi làm thủ tục đăng ký đối với xe máy điện đang lưu hành chưa thực hiện thủ tục đăng ký đến hết 30/6/2016.

Bao gồm: hoá đơn, chứng từ mua bán xe; Giấy chứng nhận chất lượng ATKT và BVMT (đối với xe nhập khẩu) hoặc Phiếu kiểm định chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Như vậy, để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý phương tiện xe máy điện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký  sở hữu xe. Ngày 22/10/2015, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BCA bổ sung vào Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe.

Theo đó, kể từ ngày 6/12/2015 đến ngày 30/6/2016 việc giải quyết đăng ký, cấp biển số xe đối với xe mô tô điện, xe máy điện được thực hiện với hồ sơ thủ tục đăng ký xe gồm: Giấy khai đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện theo mẫu ban hành; Bản photocopy Sổ hộ khẩu đối với trường hợp chủ xe là cá nhân, Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đối với chủ xe là cơ quan, tổ chức; Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân của người đến đăng ký xe, trường hợp chủ xe là cá nhân xuất trình thêm bản chính Sổ hộ khẩu để đối chiếu.

Người đang sử dụng xe mô tô điện, xe máy điện khi đến cơ quan đăng ký kê khai các giấy tờ liên quan đến đăng ký xe và làm thủ tục đăng ký xe sẽ được cơ quan đăng ký xe sẽ hướng dẫn cụ thể cho người đang sử dụng xe kê khai và trình bày nguồn gốc của xe.

Trường hợp xe chỉ có số máy hoặc chỉ có số khung; xe không có số máy, số khung; xe có số máy, số khung nhưng bị mờ, hoen gỉ thì đóng số máy, số khung (Nếu đóng được). Không thu lệ phí đóng số máy số khung.

Chủ tài sản được miễn lệ phí trước bạ, không phải đến cơ quan thuế làm thủ tục kê khai lệ phí trước bạ đến hết ngày 30/6/2016...

Đối với trường hợp người dân có trình báo cho cơ quan Công an bị mất cắp xe thì các nơi tiếp nhận có thông báo cho cơ quan đăng ký xe biết để ngăn chặn việc kẻ gian lợi dụng để làm thủ tục đăng ký xe.

Đối với xe mô tô điện, xe máy điện có hóa đơn GTGT và chứng từ nguồn gốc của xe thì đăng ký bình thường và không phải lưu bản photocopy Sổ hộ khẩu.

Như vậy, việc triển khai thực hiện đăng ký xe mô tô điện, xe máy điện là hết sức cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần tích cực đảm bảo TTATGT, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Việc đăng mô tô, xe máy điện cũng giúp cho người dân kiểm soát tài sản, đề phòng mất cắp, chứng minh được tài sản sở hữu của mình và qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT, góp phần giảm thiểu TNGT.

Tuy nhiên để hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống và người dân tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong việc đăng ký, quản lý mô tô, xe máy điện thì rất cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và phân biệt được xe đạp điện, xe máy điện, đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng xe và đầy đủ các giấy tờ theo thủ tục pháp luật khi mua, bán xe./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục