Vì sao doanh nghiệp điều phải bán hàng giá rẻ để xoay vòng vốn?

15:46' - 25/07/2018
BNEWS Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều phải bán hàng chế biến ra thị trường với giá thấp, chấp nhận thua lỗ với nguồn nguyên liệu đã nhập với giá cao từ đầu năm 2018.

Là một trong 9 ngành chủ lực xây dựng thương hiệu Việt Nam, vượt qua ngành lúa gạo, cà phê, cao su,… mang lại kim ngạch 3,6 tỷ USD trong năm 2017 cho Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay có đến 80% nhà máy chế biến điều nhỏ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất và vốn nhập nguyên liệu.

Vấn đề làm cho các doanh nghiệp trăn trở là giải quyết vốn thế nào để đạt kết quả xuất khẩu như đã đề ra?

Ngay từ tháng 6/2018, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều công bố đóng cửa nhà máy để chờ nguyên liệu, gây thiệt hại không hề nhỏ cho nền kinh tế trong nước.

Hiện nay có đến 80% nhà máy chế biến điều nhỏ đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất và vốn nhập nguyên liệu. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Huệ Chí Thái, chuyên gia tư vấn Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, ngành điều phát triển, các nhà máy hoạt động với công suất 1,6 triệu tấn điều nguyên liệu/năm, đã giúp tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nhàn rỗi tại các tỉnh Bình Phước, Long An, Đồng Nai, …

Với thực trạng hiện nay, lực lượng lao động nói trên sẽ mất việc làm, chuyển sang công việc khác, hoặc trở về sản xuất trên chính mảnh đất của mình.

Nếu không kịp thời quản lý, có thể sẽ làm vỡ quy hoạch các ngành sản xuất liên quan như hồ tiêu, cà phê, cao su, v.v…

Trước đó, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam đã đề xuất thống nhất hoạt động của các doanh nghiệp chế biến điều là điềm tĩnh ứng phó thị trường, giữ hàng, tránh bán tháo để các doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi. Bởi thông tin từ Hội đồng hạt khô thế giới (INC) đưa ra, giá điều nhân không có xu hướng giảm.

Trong những năm gần đây, giá điều nhân tăng đều qua mỗi năm, khoảng 6%. Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp không kiểm soát tốt thông tin, sẽ gây bất lợi cho ngành điều Việt Nam.

Tuy nhiên, việc gây trở ngại, khó khăn lớn cho đến nay là phương án giải quyết nguồn vốn để nhập khẩu 500.000 tấn nguyên liệu, phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2018 lại chưa được giải quyết.

Theo đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, kể từ sau cuộc họp giữa Hiệp hội điều Việt Nam với đại diện các ngân hàng hỗ trợ vốn cho ngành điều từ ngày 6/7/2018 đến nay, hầu như các ngân hàng đều im hơi lặng tiếng, chưa có bất kỳ động thái nào sẽ hỗ trợ số tiền 800 triệu USD cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, để nhập khẩu số nguyên liệu nói trên.

Với tình thế sản phẩm chế biến vẫn còn trong kho, nguyên liệu mới không về được nhà máy, các doanh nghiệp phải tự xoay xở để tái sản xuất và chế biến, đáp ứng các hợp đồng đã ký kết.

Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, Bình Phước cho rằng, muốn giải quyết nguồn vốn này, không thể ngồi chờ các ngân hàng.

Bởi một phần sẽ đánh mất khách hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm nguồn cung mới và chiếm lĩnh thị trường, một phần sẽ khó huy động nguồn lao động về sau, nếu đóng cửa nhà máy thời gian dài.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều phải bán hàng chế biến ra thị trường với giá thấp, chấp nhận thua lỗ với nguồn nguyên liệu đã nhập với giá cao từ đầu năm 2018.

Trong khi đó, các lô hàng nguyên liệu đã được các doanh nghiệp ký kết trước đó đang chờ tại cảng hoặc phải lưu kho ngoại quan, chưa thể nhập cảng vì thiếu vốn thanh toán cho nhà cung cấp.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng đã đặt cọc trước, sau đó thanh toán một phần tiếp theo mới có thể nhận hàng, cũng phải chịu mất tiền cọc, vì không có vốn để thanh toán đợt 2.

Tính ra, khi nguồn vốn 800 triệu USD không được phía các ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp, làm cho các doanh nghiệp điều phải chịu thiệt hại không nhỏ, mục tiêu xuất khẩu của ngành điều năm 2018 sẽ không đạt như kế hoạch đã đề ra.

Đó là chưa kể đến nguồn nguyên liệu cần dự trữ để phục vụ cho chế biến, đáp ứng các đơn hàng trong thời điểm “nóng” tháng 9, tháng 10 sắp tới. Đặc biệt là một lượng hàng hóa lớn phục vụ cho dịp nghỉ lễ Giáng sinh của các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc,…

Với 500.000 tấn điều nguyên liệu để phục vụ chế biến, xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2018, trong trường hợp các doanh nghiệp có thể đàm phán giảm giá nguyên liệu khoảng 300 USD/tấn, các doanh nghiệp cũng phải mất 850 triệu USD để kí kết hợp đồng nhập nguyên liệu này.

Trả lời về việc phía ngân hàng không giải ngân vốn vay cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều có nhu vay vốn, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc cấp cao Quan hệ khách hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ cho ngành điều vẫn còn nhiều.

Nhưng theo các điều khoản cho vay của ngân hàng, phía doanh nghiệp phải nêu rõ nguồn vốn cố định tương ứng với quy mô đầu tư.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp điều nộp hồ sơ vay vốn có quy mô đầu tư lớn, nhưng nguồn vốn đăng ký hồ sơ lại thấp.

Hơn nữa, doanh nghiệp vay vốn phải thực hiện kiểm toán định kỳ, báo cáo tài chính đầy đủ, điều kiện xuất khẩu của doanh nghiệp tương ứng với năng lực thực tế. Khi hồ sơ vay vốn hoàn thiện các tiêu chí trên, Eximbank sẵn sàng ký duyệt giải ngân.

Mặt khác, Hiệp hội Điều Việt Nam cần có sự hỗ trợ, lập danh sách phân loại doanh nghiệp để các ngân hàng dựa theo đánh giá của Hiệp hội mà xét duyệt cho vay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục