Vì sao Hội nghị thượng đỉnh sông Nile không đạt được thỏa thuận quan trọng?

06:30' - 29/07/2017
BNEWS Hội nghị thượng đỉnh sông Nile được tổ chức chủ yếu để tạo cơ hội cho tất cả 10 quốc gia sử dụng nước sông Nile thống nhất cách sử dụng tài nguyên một cách công bằng.
Vì sao Hội nghị thượng đỉnh sông Nile không đạt được thỏa thuận quan trọng? Ảnh: Reuters

Trang tin Allafrica mới đây có bài phân tích với tựa đề “Tại sao Hội nghị thượng đỉnh sông Nile kết thúc tại Uganda mà không có thỏa thuận quan trọng nào” của hai phóng viên Abubaker Mayemba và Johnson Taremwa.

Theo bài viết, các bức ảnh chụp các tổng thống và quan chức cao cấp thành viên của “Sáng kiến Lưu vực sông Nile (NBI)” vào lúc kết thúc hội nghị cho thấy hội nghị này thành công. Tuy nhiên, thông tin hậu trường của sự kiện này lại thể hiện tình hình trái ngược.

Hội nghị thượng đỉnh NBI lần này được tổ chức chủ yếu để tạo cơ hội cho tất cả 10 quốc gia sử dụng nước sông Nile thống nhất cách sử dụng tài nguyên một cách công bằng.

Tuy nhiên, dấu hiệu đầu tiên cho thấy hội nghị sẽ không đạt kết quả như mong đợi đó là Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và người đồng cấp của ông Sudva Salva Kiir đã không tham dự sự kiện này. Chỉ có Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Ethiopia Hailemariam Desalegn xuất hiện tại hội nghị.

Đặc biệt, hai nhân vật này đã trải qua 5 giờ họp kín với Tổng thống nước chủ nhà Uganda Yoweri Museveni.

Trước đó tất cả 10 người đứng đầu nhà nước đang sử dụng chung nguồn nước sông Nile đã được mời và đã hứa sẽ tham dự nhưng vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra, một số nước đã thông báo rằng các tổng thống của họ sẽ không tham dự hội nghị mà thay vào đó chỉ cử đại diện.

Quốc gia đầu tiên từ chối tham dự là Kenya, tiếp đến là Rwanda, Sudan, South Sudan, Burundi và Tanzania.

Ngay sau khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh, sự thật là đồng thuận giữa các bên liên quan về việc sử dụng nước sông Nile một cách công bằng không thể đạt được vì các nhà kỹ trị đã nhiều lần rời khỏi các cuộc họp cấp chuyên viên được tổ chức trước đó.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức nhằm thúc đẩy Ai Cập, nước hưởng lợi lớn nhất của vùng sông Nile, tham gia vào Sáng kiến NBI, nhưng quốc gia Bắc Phi này đã đưa ra các điều khoản rất khó vượt qua.

Trong thư gửi người đồng cấp Sam Chepotoris trước đó, Bộ trưởng Tài nguyên Nước của Ai Cập Mohmed Abdel-Atti cho biết quóc gia này  sẽ chỉ quay lại cuộc họp đa phương nếu một số điều khoản trong Dự thảo Hiệp định Hợp tác (CFA) được thay đổi.

Vào thời điểm ông El-Sisi gặp ông Museveni và ông Desalegn, các điều khoản của Ai Cập đã không được đáp ứng. Trong các cuộc họp, các chuyên gia đã xoáy sâu vào đề nghị sự đồng thuận và thông báo trước, một số người tự hỏi tại sao một quốc gia có dân số thấp hơn lại muốn quyết định thay cho hơn 200 triệu người?

Theo một quan chức cao cấp Tanzania, người đã tham dự cuộc họp kín, ưu tiên hàng đầu trong thảo luận là sự phát triển của lưu vực sông Nile nhưng các bộ trưởng và các chuyên gia lại tiếp tục thảo luận về các điều khoản của Ai Cập. Quan chức này tiết lộ thêm rằng tổng thống El-Sisi nói rằng Ai Cập rất miễn cưỡng khi ký kết các thoả thuận liên quan đến sông Nile.

Theo ông El-Sisi, nước này đang phải chịu sự thiếu hụt 21,5 tỷ mét khối nước/năm. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Uganda Museveni đã nói về các vấn đề của các quốc gia lưu vực sông Nile sử dụng chung dòng sông và yêu cầu bảo tồn để phát triển.

Mặc dù Ai Cập không tham gia Sáng kiến NBI nhưng cam kết sẽ vẫn tham gia vào các dự án phát triển trong khu vực.

Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Museveni nói rằng ông và các đồng nghiệp đã thảo luận về các vấn đề phát triển. Mặc dù chỉ có ba người đứng đầu nhà nước nhưng ông Museveni nói họ đã quyết định gặp riêng các nhà lãnh đạo để thảo luận về "các vấn đề chiến lược của sông Nile".

Ông nói: "Chúng ta phải làm việc cùng nhau để biến đổi các quốc gia vùng lưu vực sông Nile thành các quốc gia trên thế giới đầu tiên thoát khỏi lạc hậu và đi lên công nghiệp hoá, phát triển một xã hội hiện đại".

Nhân dịp này, Giám đốc điều hành của NBI Innocent Ntabana, cho biết văn kiện mới được đưa ra sẽ được Hội đồng Bộ trưởng Các nước sông Nile (Nile-COM) thảo luận trong thời gian tới.

Ông Natabana giải thích rằng các nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau nhưng không ký bất kỳ hiệp ước nhưng cũng đã thảo luận phương pháp thúc đẩy sự phát triển thông qua việc sử dụng nguồn nước sông Nile.

Giám đốc điều hành NBI mô tả hội nghị thượng đỉnh lần này được coi là thành công vì đã cho thấy tất cả các nước đều sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại.

Ông Ntabana nói: "Chúng tôi không mong đợi sẽ có một thỏa thuận nào được ký kết, điều quan trọng là chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề phát triển. Đây là hội nghị giữa những người đứng đầu nhà nước, cùng thảo luận về sông Nile nên đó đã là một bước tiến lớn”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục