Vì sao huy động vốn trái phiếu Chính phủ giảm?

16:37' - 29/05/2018
BNEWS Sự khác biệt về kỳ vọng lãi suất giữa nhà đầu tư và chủ thể phát hành khiến khối lượng vốn trái phiếu Chính phủ huy động thành công giảm.
Sự khác biệt về kỳ vọng lãi suất giữa nhà đầu tư và chủ thể phát hành khiến khối lượng vốn trái phiếu Chính phủ huy động thành công giảm. Ảnh minh họa:TTXVN

Mặc dù trái phiếu Chính phủ còn nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu tái đầu tư của khách hàng vẫn ở mức cao, nhưng do sự khác biệt về kỳ vọng lãi suất giữa nhà đầu tư và chủ thể phát hành khiến khối lượng vốn trái phiếu Chính phủ huy động thành công giảm.

Theo Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài Chính, tính đến ngày 17/5/2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 56.026 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 20% kế hoạch năm 2018 (275.970 tỷ đồng), bằng 54% khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2017 và bằng 33,6% khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2016.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, mức độ tham gia đấu thầu của các nhà đầu tư trên thị trường ngày càng tăng lên với tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu đạt gần 3 lần, lớn hơn rất nhiều so với mức 2,3 lần cùng kỳ năm 2017 và 2,1 lần cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, điều dễ thấy là dù khối lượng trái phiếu huy động giảm (một phần nguyên nhân là do nhu cầu huy động vốn của các tổ chức phát hành giảm), nhưng thực tế thị cho thấy nhiều tín hiệu tích cực với tỷ lệ dự thầu tăng lên.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA, thực chất thị trường trái phiếu Chính phủ không ở trong tình trạng "ế ẩm". Khối lượng đặt thầu qua các phiên cao hơn nhiều khối lượng gọi thầu nên có thể nói thị trường trái phiếu Chính phủ còn nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu tái đầu tư của khách hàng vẫn ở mức cao. Vấn đề mấu chốt là sự khác biệt về kỳ vọng lãi suất giữa nhà đầu tư và chủ thể phát hành.

Việc chênh lệch lãi suất lớn giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp trong thời gian qua khiến các nhà đầu tư (chủ yếu là các ngân hàng thương mại) chưa đẩy mạnh đầu tư cho danh mục trái phiếu của mình.

Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước không chịu áp lực phát hành bằng mọi giá mà vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp nên không điều chỉnh tăng mạnh lãi suất trái phiếu Chính phủ và hơn thế tiền thu về vẫn khó giải ngân.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ) ước đạt 65.000 tỷ đồng, bằng 16,27% so với kế hoạch được Quốc hội giao. Tốc độ giải ngân chậm khiến cho ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm thặng dư khoảng 11.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, yếu tố cầu và thanh khoản hệ thống ngân hàng mặc dù vẫn tốt, song không còn dồi dào như giai đoạn đầu năm 2018 khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng, giảm cầu trên thị trường trái phiếu Chính phủ.

Do vậy, nếu hoạt động giải ngân vốn đầu tư công không có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, nhiều khả năng tỷ lệ thành công của các phiên đấu thầu sơ cấp sẽ không đạt mức kỳ vọng, Chủ tịch VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh nhận định.

Thực tế, trong các phiên gọi thầu từ giữa tháng 4 đến nay, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu so với giá trị gọi thầu khá thấp, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp tăng qua từng phiên.

Chủ tịch Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, việc thị trường tự điều chỉnh mặt bằng lãi suất sau một thời gian giảm sâu và nhanh như thời gian vừa qua là điều dễ hiểu. Ở thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đang trong quá trình điều chỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ tháng 4 đến nay, lãi suất giao dịch có xu hướng tăng, kỳ hạn 5 năm tăng 40 điểm, kỳ hạn 10 năm tăng 30 điểm, kỳ hạn 30 năm tăng 15 điểm. Mức độ tăng lãi suất trong giai đoạn này là không nhiều khi so với mức giảm trong Quý I.

Về thanh khoản của thị trường từ đầu năm tới nay cũng có những biến động, nhưng nhìn chung tương đối ổn định, bình quân giá trị giao dịch theo phiên là từ 10.000 đến 11.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan cho rằng, tình hình chung trên thị trường cho thấy, thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ đã có sự liên thông tốt. Điều này phản ánh mức độ phát triển thị trường đã có những chuyển biến tích cực về chất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục