Vì sao phải xem xét Bitcoin một cách nghiêm túc?

05:30' - 12/12/2017
BNEWS Trước nguy cơ bong bóng đầu cơ đồng tiền ảo Bitcoin có nguy cơ nổ tung bởi sự tăng giá mạnh thời gian gần đây, báo Les Echos đăng bài tựa đề “Vì sao cần xem xét tiền ảo Bitcoin một cách nghiêm túc?”

Vì sao phải xem xét Bitcoin một cách nghiêm túc? Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ báo, sự ra đời của đồng tiền này vào năm 2009 không phải là ngẫu nhiên.

Vào thời điểm Bitcoin được tạo ra, hệ thống ngân hàng thế giới bị mất uy tín với vụ khủng hoảng bất động sản Mỹ và ngân hàng Lehman Brothers phá sản.

Chính phủ nhiều nước lao vào cứu các cơ sở tài chính và ngân hàng trung ương các nước tung tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính quốc tế để tránh tái diễn một cuộc đại suy thoái như trong những năm 1930. 

Các cơ quan quản lý quốc tế và quốc gia tiến hành một chính sách tạm gọi là “trấn áp tài chính” để cố kìm giữ gánh nặng nợ công không ngừng tăng vọt.

Đồng Bitcoin ra đời nhằm chống lại trật tự tiền tệ này, trong trào lưu phản đối các quyền lực chính trị và ngân hàng, bị đánh giá là không đủ khả năng quản lý một đồng tiền lành mạnh, có chất lượng.

Bitcoin không phụ thuộc vào một quốc gia hay ngân hàng nào. Giá trị của Bitcoin không bị xói mòn bởi chính sách lạm phát hoặc phát hành tiền tệ ồ ạt, bởi các quy định liên quan đến Bitcoin được xác định ngay từ đầu và bất di bất dịch.

Cụ thể là có một thuật toán chịu trách nhiệm tính toán việc phát hành Bitcoin và số tiền này sẽ giảm dần cho đến năm 2140. Như vậy, sẽ không bao giờ có quá 21 triệu Bitcoin được lưu hành.

Trong khối lượng tiền ảo này, các Bitcoin không giống nhau, mỗi Bitcoin là duy nhất. Danh sách các chủ sở hữu của đồng tiền điện tử này được lưu giữ trong bộ nhớ và vô danh.

Đồng Bitcoin có thể được trao đổi tự do khắp nơi trên thế giới và không để lại vết tích gì, không có phí giao dịch ngân hàng…Điều cơ bản của hệ thống tiền ảo là gạt bỏ được mọi chính sách độc đoán của nhà nước.

Theo nhận định của các kinh tế gia Odile Lakomski-Laguerre và Ludovic Desmedt, mối quan tâm đến tiền ảo không chỉ liên quan đến vấn đề kỹ thuật mà cả về triết học và chính trị: đó là suy nghĩ về các phương tiện để tránh được sự độc quyền của nhà nước trong việc kiểm soát cung ứng tiền tệ và trả lại quyền sử dụng tiền tệ cho cộng đồng.

Tuy nhiên, để hệ thống đồng tiền ảo có thể tồn tại lâu dài thì cần phải có sự chấp nhận của nhiều người. Ban đầu, Bitcoin chỉ thu hút sự tò mò của những người ưa chuộng các thiết bị điện tử tiện ích.

Sau đó, đồng tiền ảo này "hấp dẫn" được cộng đồng những người chủ trương đề cao tự do cá nhân, ghét bỏ mọi hình thức can thiệp của nhà nước hoặc cơ chế quản lý của nhà nước, đề cao tính chính đáng của máy tính và các ứng dụng hơn là sự thông minh của con người.

Những người ủng hộ Bitcoin mong muốn rằng đồng tiền ảo này sẽ là dấu hiệu cho sự ra đời một trật tự mới trong lĩnh vực tiền tệ và kinh tế.

Mặt khác, tờ Les Echos chỉ ra nguy cơ đối với đồng tiền điện tử này. Theo thời giá hiện nay, tổng giá trị Bitcoin trên toàn thế giới lên tới khoảng 160 tỷ USD, tương đương với giá trị tập đoàn Coca-Cola, nhưng chỉ là một giọt nước so với 80.000 tỷ USD trong thanh khoản toàn thế giới. 

Chính vì thế, đến nay, các nhà nước, ngân hàng và những cơ quan quản lý tài chính quốc tế vẫn chưa quan tâm đến “vật thể lạ” này.

Khi Bitcoin có giá trị hơn, khi mọi người có thể dùng đồng tiền ảo này để mua bán - tức là đe dọa quyền lực của nhà nước, thì các chính phủ sẽ để mắt đến Bitcoin và có thể tìm cách xoá bỏ đồng tiền này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục