Vì sao tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm?

14:32' - 06/08/2016
BNEWS Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư Nhà nước năm 2016 được giao 250.000 tỷ đồng. Các số liệu cho thấy, tốc độ giải ngân đang chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư công là một giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tính đến hết tháng 7, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách ước đạt 92.210 tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 47%; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân gần 12.000 tỷ đồng, bằng 25,8% kế hoạch, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 44%.

Cũng trong 7 tháng đầu năm 2016, vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân đạt khoảng 2,3 tỷ USD.

Để đạt được mức tang trưởng GDP 6,7% trong năm nay, một trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến, đó là tập trung đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

"Thủ phạm" của chậm trễ!

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn chậm là do một số Bộ, ngành, địa phương chậm giao kế hoạch vốn của năm 2016 và thủ tục còn rườm rà.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương còn chậm trong việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Riêng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, đến tháng 6 các địa phương mới giao được vốn cho các đơn vị cấp dưới trong khi chưa giao danh mục chi tiết.

Tuy nhiên, nguồn vốn này lại gặp vướng mắc khi triển khai các thủ tục kiểm soát chi và thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đồng thời lúng túng trong việc triển khai các quy định của Luật Xây dựng.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, hiện nay, vướng mắc còn ở chỗ hầu hết các công trình xây dựng cấp 1 là Bộ Xây dựng quản lý, phê duyệt đầu tư, nhưng trong công trình cấp 1 thì có nhiều dự án nhỏ mà các nhà đầu tư cũng phải ra Hà Nội xin ý kiến Bộ Xây dựng là một bất cập.

Bên cạnh đó là những khó khăn về giải phóng mặt bằng, năng lực yếu kém của nhà thầu, chính quyền của một số địa phương chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo kiên quyết trong triển khai dự án trên địa bàn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, việc thiếu thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng đã khiến quá trình triển khai các dự án xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội là một trong 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức 30%. Tại một cuộc họp gần đây của ngành kế hoạch và đầu tư, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những thách thức lớn nhất của Hà Nội trong năm 2016; trong đó, có các công việc giải ngân hết vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã giao của năm 2016, vốn chuyển tiếp từ các dự án của năm 2015 sang và vốn có phát sinh hụt thu từ năm 2015.

Một số chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra rằng, nguyên nhân làm chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến các dự án có vốn ODA là việc quản lý dự án đang được xem như việc làm phụ và không thuộc phần trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản. Vì vậy, khi dự án kết thúc, các nguồn lực được đào tạo hoặc phát triển trong dự án đều không được sử dụng tiếp.

Thời gian qua, việc triển khai Luật Đầu tư công đã đưa quản lý và sử dụng vốn đầu tư công dần đi vào nề nếp, khắc phục khá triệt để tình trạng phê duyệt dự án tràn lan, vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn.

Tuy nhiên, do mới thực thi (1/1/2015), mặt khác, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành nên còn nhiều lúng túng, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Thể hiện quyết tâm khắc phục sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội mức vốn kế hoạch năm 2017.

Đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch, kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2017 để tập trung thực hiện hết số vốn kế hoạch năm 2016, kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2017.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang hết sức cấp bách.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đề ra giải pháp điều hành bài bản, phấn đấu trong quý III/2016 phải có đột phá về kết quả và tiến độ giải ngân theo yêu cầu của Thủ tướng.

Lựa chọn dự án cấp bách, cần thiết để đầu tư. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương phải tăng cường chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đi đôi với việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng dự án và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

“Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, chúng ta cần phải lựa chọn những dự án thật sự cấp bách, cấp thiết, đặc biệt phải quan tâm và quán triệt chủ trương này trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, trước hết phải tập trung xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp.

Đối với các dự án khởi công mới, chỉ lựa chọn những dự án thật sự cần thiết, cấp bách, cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư công hoàn thành theo đúng tiến độ và thời gian quy định.

“Đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành phải vào cuộc, sớm ban hành các tiêu chuẩn, định mức để làm căn cứ phê duyệt quyết định đầu tư. Các cấp, các ngành cũng cần tăng cường công tác thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư công.

Công tác chuẩn bị đầu tư cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, để khi các dự án được bố trí vốn có khả năng thực hiện ngay, rút ngắn thời gian thực hiện và thi công dự án, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quyết định đầu tư”, tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đề xuất.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng đề xuất, đối với những công trình 5-7 tỷ đồng đầu tư trên địa bàn thành phố, Thủ tướng nên phân cấp cho địa phương quyết định đầu tư để thực hiện và địa phương sẽ chịu trách nhiệm về những công trình, dự án này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất Bộ cần sớm có những hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ Hà Nội xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xây dựng luật để sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư công nhằm tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện cho những năm tới.

Một trong những giải pháp cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trước mắt là tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 60/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, bảo đảm giải ngân có hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Theo đó, sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Cùng với đó là chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình. Các chủ đầu tư cũng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn vào thanh toán cuối năm.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát kỹ các dự án đã được kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch năm trước sang năm sau.

Nhưng đến hết ngày 31/12/2016 các dự án vẫn không giải ngân hết số vốn kéo dài này mà không có lý do khách quan, cụ thể, sẽ bị cắt giảm số vốn không giải ngân hết để điều chuyển bổ sung thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản vốn ứng trước chưa có nguồn để thu hồi.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho rằng, cần phải quan tâm nhiều hơn tới việc giám sát chất lượng công trình đầu tư công, nhất là các dự án liên quan đến công nghệ khi mà các văn bản pháp luật không nhắc nhiều đến trách nhiệm của cơ quan giám sát mà chủ yếu giao trách nhiệm này cho nhà đầu tư.

“Một nhà máy xử lý chất thải không được kiểm soát chất lượng công nghệ, mức độ phù hợp và giá cả đầu tư dễ gây ra những thất thoát và hiệu quả sử dụng không cao”, ông Vinh nói.

“Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn chi tiết tới các đơn vị cơ sở. Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công theo quy định”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

>>> Thủ tướng: Xử lý nghiêm trường hợp chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục