Viện trợ của Trung Quốc có thực sự cạnh tranh ở châu Phi?

06:03' - 11/06/2017
BNEWS Trang tin Allafrica số ra mới đây có bài bình luận về việc liệu Trung Quốc có thể thay thế các nhà tài trợ truyền thống (phương Tây) ở châu Phi trong tương lai hay không?
Viện trợ của Trung Quốc có thực sự cạnh tranh ở châu Phi? Ảnh: Reuters

Theo bài viết, những năm qua Trung Quốc đã tăng viện trợ đáng kể về giá trị cho châu Phi và số lượng ngày càng gia tăng, nhưng có thể đang được “tô hồng” do Bắc Kinh không công khai các số liệu chính thức và các phương tiện thông tin của Trung Quốc cũng như các nước thụ hưởng thường công bố số liệu dựa trên những cam kết nhưng chưa được triển khai. 

Một cuộc điều tra dư luận của trang tin trên về việc Trung Quốc gia tăng tài trợ có làm giảm vai trò của các nhà tài trợ phương Tây ở châu Phi hay không, được thực hiện với 50 chuyên gia cấp cao đang làm việc cho các nhà tài trợ song phương và đa phương tại gần 20 quốc gia châu Phi. Kết quả cho thấy hơn một nửa các nhà tài trợ nói "Không", 20% nói "Có" và số còn lại cho biết họ không chắc chắn.

Những chuyên gia trên cho biết khi làm việc với các quốc gia thụ hưởng viện trợ nước ngoài, các nước thường không quan tâm nhiều đến yếu tố viện trợ từ đâu, ví dụ như Trung Quốc hay các nước phương Tây, nhất là khi đề xuất chính sách cho các quốc gia châu Phi, đặc biệt là các quyết định về cung cấp, phân bổ viện trợ và hợp tác phát triển trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên.

Đến nay, các nhà tài trợ phương Tây không đánh giá cao tác động của các chương trình, dự án viện trợ từ Trung Quốc ở châu Phi.

Nhận định trên có thể ngược lại với nhiều đánh giá về sự nổi lên và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia châu Phi trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nhóm tiến hành điều tra đã xem xét các dự án mà Trung Quốc thực hiện ở ba quốc gia châu Phi là Ghana, Tanzania và Uganda và nhận thấy Bắc Kinh chủ yếu tài trợ cho các công ty nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và khoáng sản.

Trong khi đó, các nhà tài trợ phương Tây thường hỗ trợ trong các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo... Vì vậy, trên thực tế Trung Quốc ít khi đối đầu với các nhà tài trợ truyền thống phương Tây. Ngay cả khi các lãnh đạo châu Phi muốn xa rời các nhà tài trợ phương Tây như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản thì Trung Quốc cũng không phải là sự lựa chọn thay thế đầu tiên.

Các nhà quản lý ngân sách quốc gia và các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài cũng không thể dễ dàng khước từ các nhà tài trợ truyền thống.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu trên cũng đánh giá sự đột phá và cách tiếp cận về nguồn vốn đầu tư phát triển của Trung Quốc tại châu Phi là rất đáng quan tâm. Trong một số ngành và lĩnh vực, Trung Quốc thực sự đang cạnh tranh với các nhà tài trợ và đang dần chiếm ưu thế so với các nước phương Tây, nhất là Mỹ.

Hiện nay, chính phủ nhiều nước châu Phi “thích” viện trợ của Bắc Kinh bởi sự triển khai nhanh, ít quan liêu, ít ràng buộc, nhất là vấn đề chính trị, tham nhũng, nhân đạo...

Ví dụ điển hình là dự án xây dựng đập thủy điện Bui tại Ghana, đã được triển khai rất nhanh sau khi chuyển từ Ngân hàng Thế giới (WB) sang cho Trung Quốc, hiện dự án đã hoàn tất được hơn 1/2 khối lượng và có thể hoàn thành vào cuối năm 2018.

Ngày 31/5, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã cắt băng khánh thành dự án đường sắt nối liền thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mobasa của Kenya. Tuyến đường sắt này có chiều dài 472 km, được xây dựng từ nguồn vốn vay và hỗ trợ công nghệ của Trung Quốc, thay thế tuyến đường sắt “Lunatic Express” của Anh trước đây. 

Mặc dù còn nhiều tranh cãi, trong đó có cáo buộc liên quan đến tham nhũng, chất lượng công trình và lo ngại về những tác động tiêu cực đối với môi trường, nhưng công trình giao thông lớn nhất Kenya này thực sự là một trong những “quân bài” quan trọng trong việc gây ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Kenya nói riêng và châu Phi nói chung trong tương lai. 

Theo nhà phân tích khu vực, hiện chưa có đánh giá đầy đủ về mối tương quan giữa sự nổi lên của Trung Quốc và sự xói mòn vị trí của các nhà tài trợ truyền thống phương Tây tại châu Phi.

Chưa thể đánh giá quá cao các nguồn tài trợ từ Trung Quốc, cũng như xem xét mối liên hệ trực tiếp giữa việc Trung Quốc tăng ngân sách viện trợ cho các quốc gia châu Phi với việc các nhà tài trợ truyền thống đang có chiều hướng rút dần khỏi khu vực nhạy cảm này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục