Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính

15:21' - 12/12/2017
BNEWS Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng đã thu hút sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng đã thu hút sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan cùng một số địa phương cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 70% trong giá trị sản phẩm xây dựng - một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Vật liệu xây dựng còn đóng vai trò rất quan trọng bởi nó quyết định chất lượng, tuổi thọ công trình. Những năm qua ngành vật liệu của Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng.
Nhà nước đã tạo ra hành lang pháp lý, thể chế cho hoạt động sản xuất này, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. Vấn đề đặt ra là phải để ngành vật liệu gắn với đời sống, với tăng trưởng của nền kinh tế. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải khắc phục được những hạn chế, đơn cử như công tác thăm dò dự báo tài nguyên khoáng sản. Một phần nguyên nhân là do nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác này còn thiếu. Điều đó dẫn tới việc thông tin dự báo còn thiếu chính xác.
Cùng đó, hiệu quả đầu tư của một số dự án còn thấp, kể cả dự án đầu tư bằng ngân sách lẫn dự án sử dựng vốn của doanh nghiệp. Đáng chú ý, tình trạng khai thác vật liệu như đá cát sỏi trái phép diễn ra nhiều nơi, khai thác ở cả lòng sông, cửa sông…
"Ngay cả các dự án khai thác có phép nhưng cũng không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong dư luận", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, lĩnh vực vật liệu xây dựng vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: một số quy định quản lý không phù hợp; trình độ công nghệ, thiết bị nói chung của toàn ngành chưa cao…
Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt, công nghệ ngày càng hiện đại, từng bước hòa nhập với trình độ chung của khu vực và thế giới. Một số doanh nghiệp có trình độ sản xuất tiên tiến, có uy tín trên thị trường.
Trong giai đoạn trước năm 2010, nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam như xi măng, kính xây dựng, gạch ốp lát,… chủ yếu còn nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng từ năm 2010 đến nay, ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam đã phát triển không ngừng với nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại ngang tầm với khu vực và các nước phát triển trên thế giới. Bộ trưởng cho hay.
Sản lượng và chất lượng được nâng cao, tất cả các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu đã cơ bản thoả mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước; đồng thời một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tham gia vào thị trường xuất khẩu (xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng, đá ốp lát, vôi…).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất đã có những thay đổi rõ rệt. Các công nghệ lạc hậu đã và đang được thay thế bằng công nghệ tiên tiến hiện đại trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đưa lĩnh vực này từng bước hoà nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới.
Theo Tiến sỹ Dương Đức Long, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu xây dựng, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính; trong đó xi măng, kính xây dựng và gạch ceramic đứng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của ngành cũng như các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống hiện nay đang tiêu tốn nguồn nguyên liệu, năng lượng lớn và góp phần gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, việc nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất và phát triển các loại vật liệu xây dựng giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường là điều cấp thiết hiện nay. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ để hướng tới nền sản xuất xanh, sạch, hiệu quả và phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục