WB hối thúc 5 nước Sahel đa dạng hóa nền kinh tế

09:27' - 20/09/2022
BNEWS WB đã hối thúc các nước Sahel đẩy nhanh cải cách cơ cấu để đa dạng hóa nền kinh tế, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực "dễ bị tổn thương nhất trên thế giới" này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một báo cáo được đưa ra ngày 19/9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hối thúc các nước Sahel đẩy nhanh cải cách cơ cấu để đa dạng hóa nền kinh tế, nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực "dễ bị tổn thương nhất trên thế giới" này.

 

Báo cáo nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng căng thẳng ở các quốc gia thuộc Sahel (bao gồm Mali, Niger, Burkina Faso, Chad và Mauritania). Đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với hạn hán khắc nghiệt, lũ lụt, nắng nóng và các tác động khác có liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo ước tính nhiệt độ khu vực này có thể tăng thêm 2 độ vào năm 2040.

WB đánh giá vào năm 2050, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Niger có thể giảm 11,9% và của Burkina Faso giảm 6,8% theo các kịch bản bi quan về lượng mưa thấp. Báo cáo chỉ ra rằng nhu cầu tài chính của 5 quốc gia Sahel để triển khai các hành động nhằm giảm thiểu những thiệt hại do khí hậu gây ra có thể lên tới hơn 30 tỷ USD.

Bà Clara de Sousa - Giám đốc WB phụ trách các quốc gia Burkina Faso, Mali, Niger và Chad - cho biết: “Báo cáo này đưa ra lộ trình giúp các quốc gia đẩy nhanh cải cách và đầu tư nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và làm cho nền kinh tế trở nên linh hoạt và hòa nhập hơn”.

Trong số các khuyến nghị, WB nhắc lại tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế "nhanh chóng, bền vững và bao trùm", là hình thức tốt nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc gia và người dân càng thịnh vượng, thì chính phủ, các công ty và hộ gia đình càng có nhiều nguồn lực để đầu tư vào công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức tài chính quốc tế này cũng kêu gọi thiết lập hệ thống bảo trợ xã hội tốt hơn ở các quốc gia Sahel. Để thực hiện những khoản đầu tư này, WB - đã cung cấp "khoản tài chính kỷ lục" cho các nước Sahel trong 3 năm qua - đặc biệt nhấn mạnh đến sự tham gia của khu vực tư nhân.

Theo báo cáo, 5 quốc gia thuộc khu vực Sahel hiện thải ra chưa đến 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục