World Cup 2018 củng cố vị thế của Nga (Phần 1)

05:30' - 15/07/2018
BNEWS World Cup 2018 hiện đang được tổ chức tại Nga chắc chắn là một sự kiện lớn giúp quảng bá hình ảnh của Moskva ra khắp thế giới và thách thức quan điểm cho rằng Nga đang bị cô lập.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở Moskva ngày 21/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang mạng trường nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học công nghệ Nanyang (NTU, Singapore), mới đây đăng bài viết của tác giả Chris Cheang nhận định rằng vị thế của Tổng thống Vladimir Putin đã được củng cố khi Nga tổ chức World Cup 2018.

Chris Cheang là một nhà ngoại giao, từng phục vụ ba nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Singapore tại Moskva và cũng là nhà nghiên cứu cấp cao của RSIS. Chuyên gia này cho rằng kể từ cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine năm 2014, hàng loạt sự kiện đã diễn ra dẫn tới những trừng phạt kinh tế và chính trị nặng nề từ phương Tây đối với Nga, tuy nhiên, liệu nước này có đang thực sự bị cô lập?

Thứ nhất, nếu định nghĩa cộng đồng quốc tế là tất cả quốc gia độc lập trên thế giới thì rõ ràng Nga chưa bị cô lập hoàn toàn. Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), khu vực Mỹ Latinh và ASEAN chưa hề đua theo nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Nga. Ngay cả Isarel và Hàn Quốc, những thành viên đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chính trị-kinh tế của phương Tây, cũng chưa hề tham dự vào các biện pháp trừng phạt Nga.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận khác của Mỹ, đã áp dụng các biện pháp trừng phạt rất hạn chế đối với Nga. Các nước có lý do riêng để không tham gia vào nỗ lực trừng phạt Nga của Phương Tây cho dù điều này cũng dấy lên câu hỏi về sự gắn kết của phương Tây trong việc đối đầu với Nga.

Sự tham dự của một số lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn Đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg diễn ra hồi tháng 5/2018; cuộc gặp của Tổng thống Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại khu nghĩ dưỡng Sochi vào cùng tháng và chuyến thăm Áo của ông Putin để hội đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz vào đầu tháng 6 – tất cả đều cho thấy Nga không những không bị cô lập mà thực tế là các nước phương Tây đang có những cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết vấn đề liên quan tới Nga.

Thứ ba, Liên minh châu Âu (EU) nói chung vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng của Nga. Theo một bài báo trên tờ Wall Street Journal số ra ngày 12/4/2018 của tác giả Andrea Thomas, thương mại giữa Nga và các nước phương Tây, vốn đang đi đầu trong việc trừng phạt Nga lại tăng, “đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng lâu dài các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moskva.”

Xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ và các quốc gia lớn nhất châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, với Nga đã tăng mạnh vào năm 2017 sau ba năm giảm sút. Tỷ lệ này đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014, năm Nga sáp nhập Crimea, khiến Mỹ và các đồng minh châu Âu buộc phải áp đặt lệnh trừng phạt.

Theo bài báo này, Nga đã thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng GDP 1,6% vào năm ngoái, và tổng kim ngạch thương mại giữa EU và Nga đã tăng 17,9% từ năm 2016, đạt 285,8 tỷ USD. Trao đổi thương mại giữa Mỹ và Nga cũng tăng 12,5% năm 2016 và con số này với Pháp, Đức và Italia lần lượt là 26,5%, 19,5% và 17,3%.

Ngoài thương mại, đầu tư từ một số nước châu Âu vào Nga cũng đã tăng khá rõ. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, đầu tư trực tiếp của Đức vào Nga đã tăng lên 1,08 tỷ USD vào ba quý đầu của năm 2017 từ mức 274 triệu USD năm 2016. Đầu tư của Pháp vào Nga cũng tăng lên 524 triệu USD so với cùng kỳ năm trước là 438 triệu USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục