Xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh

20:56' - 22/09/2022
BNEWS Chiều 22/9, Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo lần thứ 6 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Chiều 22/9, tại Hà Nội, Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo lần thứ 6 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022. 

Mục tiêu của quá trình sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật là nhằm xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, trong đó, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, thu hút nhiều đối tượng tham gia, phát huy giá trị tốt đẹp của mô hình hợp tác xã, đặc biệt là tạo hành lang pháp lý thông thoáng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã cho biết, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
“Nghị quyết tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện của Cục Phát triển hợp tác xã đã trình bày Dự thảo lần thứ 6 của Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; trong đó, nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là nhằm rà soát, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tập thể, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển, huy động tối đa nguồn lực xã hội; đồng thời, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, giữ vững bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế hợp tác, thể chế hóa đầy đủ chỉ đạo tại Nghị quyết 20-NQ/TW và bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Cũng theo Cục Phát triển hợp tác xã, vấn đề đặt ra trong Dự thảo lần thứ 6 này là đổi mới, thu hút thành viên và không làm mất bản chất, đặc trưng của mô hình kinh tế hợp tác; tạo thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác và bảo đảm quyền làm chủ, quyền được tham gia quản lý của tất cả thành viên. Đặc biệt, tránh trục lợi chính sách với không gây khó khăn cho các tổ chức kinh tế hợp tác.

Với 12 chương, 117 điều, Dự thảo hướng tới xây dựng Chương trình tổng thể về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, giáo dục đào tạo, thông tin, tư vấn, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và trang thiết bị, kiểm toán, tài chính, đánh giá rủi ro.
Nguyên tắc hỗ trợ được đưa ra là không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tiêu chí lựa chọn có ưu tiên, hỗ trợ phí kiểm toán và tổ chức kinh tế hợp tác không phải kiểm toán bắt buộc cũng như tính đến việc ưu tiên cho đối tượng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp tuy nhiên vẫn chưa đi đến thống nhất về tên gọi nên đã đề nghị giữ hai phương án; trong đó, phương án 1 là “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” và phương án 2 là “Luật Hợp tác xã” (có ưu tiên nghiêng phương án 1 hơn).
Về vấn đề tên gọi, đại diện Liên minh Hợp tác xã cho rằng, tên gọi "Luật Hợp tác xã" mang nhiều nội hàm hơn về tinh thần hợp tác, so với tên "Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác" được cho là thiên về định hướng kinh tế thị trường.
"Tại Việt Nam, khoảng 70% số hợp tác xã là hợp tác xã nông nghiệp. Tinh thần hợp tác, vốn thường tồn tại trong các tổ chức xã hội cần được đề cao", đại diện Liên minh Hợp tác xã cho hay.
Ngoài tên gọi, đa số đại biểu dự hội thảo nhất trí với mục tiêu của Dự thảo khi phấn đấu xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; trong đó, nhấn mạnh tới 4 khía cạnh: tạo hành lang pháp lý thông thoáng; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức; phát huy giá trị tốt đẹp của mô hình đại diện Liên minh Hợp tác xã; thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn toàn căn cứ trên cơ sở thực tiễn, phù hợp với hiện tại và xu thế chung hướng tới, tiến tới đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở đề xuất bỏ phương án sản xuất kinh doanh khi đăng ký thành lập, có thể đăng ký trực tuyến và giảm số lượng thành viên dựa trên từng quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn; đồng thời, làm rõ hơn sự liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nỏi riêng, các quy định pháp lý phù hợp trong quản lý mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã là doanh nghiệp, hợp tác xã trong hợp tác xã.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất, dự thảo cần nghiên cứu, khảo sát chi tiết hơn để phân loại hợp tác xã hiệu quả, nhất là với hợp tác xã khu vực nông nghiệp…, đồng thời, cũng cần xem xét lại quy định về việc tổ hợp tác phải đăng ký với cấp huyện, quy định về góp vốn tín dụng…
Cục Phát triển hợp tác xã cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV đã thông qua đề xuất xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần một đối với Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV vào tháng 5/2023. Hội thảo là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày mai (23/9)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục